Môi trường

Vui mừng khi được xếp hạng “trung bình”!?

Hà Thanh 11/05/2025 - 16:28

Sáng nay mở mục thời tiết trên zalo, nhìn thấy Air Visual đánh giá chất lượng không khí Hà Nội ở mức “vừa phải” mà thấy lòng nhẹ nhõm. Có lạ không khi thấy vui mừng được xếp hạng ở mức trung bình?

Lý do là bởi những tháng đầu năm nay, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn bị đánh giá là “xấu”, “nguy hại”; thậm chí không ít lần Hà Nội bất đắc dĩ “lọt top đầu” ô nhiễm không khí trên bảng xếp hạng các thành phố có chỉ số ô nhiễm cao toàn cầu, nên chất lượng không khí vừa phải đã là một sự cải thiện.

bau-troi.png
Một góc Hà Nội xanh. Ảnh: Hà Thanh

Buồn vì Thủ đô chưa xanh, sạch

Hà Nội còn ô nhiễm, thực tế đó khiến cho không ít người ở các địa phương khác thấy ngại và chê Thủ đô Hà Nội ô nhiễm hơn “quê mình”. Phần đông họ bày tỏ cảm giác bị choáng bởi vấn nạn tắc đường khi lượng xe máy, ô tô rất lớn ùn lại nơi cửa ngõ Thủ đô, hay chen chúc nhau trên phố, không kể là giờ cao điểm hay thấp điểm. Đặc biệt là những tháng hè nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội tăng rất cao bởi nhiệt từ các phương tiện giao thông và các chung cư dày đặc tỏa ra. Cộng thêm vào đó là ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm…, khiến nhiều người thấy khó chịu, mệt mỏi.

Còn những người dân Thủ đô thì cảm nhận ra sao? Mặc dù tình yêu đối với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn tha thiết, nhưng người dân không khỏi lo ngại vì chất lượng không khí, môi trường, làm cho cho sức khỏe của nhiều người chuyển xấu. Hơn nữa, lòng tự hào vì thương hiệu Thủ đô “Xanh, sạch, đẹp” cũng phần nào bị tổn thương.

Vào trung tuần tháng 4 năm nay, thời điểm Hà Nội lọt top 2 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng vọt lên mức 200, Đài Truyền hình Việt Nam đã có những phân tích khá chi tiết.

Theo VTV.vn ngày 15-4, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đã đạt mức 130 µg/m³ (mức tím - không tốt cho sức khoẻ). Giai đoạn ô nhiễm ở ngưỡng nghiêm trọng kéo dài từ tháng 10-2024 đến tháng 3-2025. Chỉ số chất lượng không khí AQI thường xếp vào loại "rất không tốt cho sức khỏe" hoặc tệ hơn là ở mức "nguy hại", không chỉ gây ra các vấn đề hô hấp tức thì, mà còn để lại những tổn hại lâu dài đối với sức khỏe của người dân.

3moitruong.jpg
Đơn vị vệ sinh môi trường tích cực quét hút bụi trên các tuyến đường nhằm giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Hiệp

VTV cũng phân tích ô nhiễm không khí tại Hà Nội có tác động từ yếu tố đặc thù của mùa Thu - Đông. Trong khả năng khoa học, công nghệ chưa tác động được nhiều để hạn chế những yếu tố tiêu cực của thời tiết, thì việc cần làm ngay là phải hạn chế những tác động tiêu cực do chủ quan gây ra.

Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng lượng bụi mịn phát thải của thành phố. Theo một số liệu thống kê mới đây trên báo chí, Hà Nội có khoảng 1,2 triệu ô tô và gần 8 triệu xe máy. Thêm vào đó, còn có khoảng trên 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Hoạt động xây dựng ở thành phố Hà Nội có hơn 1.000 công trình xây dựng và 36 dự án chung cư đang được triển khai, thải ra hơn 80.000 tấn bụi và khói mỗi năm. Vấn nạn đốt rác, đốt rơm chưa được hạn chế triệt để.

Với dân số hơn 8 triệu người, cộng thêm 1,2 triệu người vãng lai sinh sống tại thành phố, áp lực lên môi trường đô thị là rất lớn. Ngoài ra, có rất nhiều người và phương tiện từ địa phương khác đến Hà Nội để làm nơi trung chuyển, làm tăng thêm sự đông đúc, ô nhiễm tại đây.

Hy vọng sớm giảm áp lực lên môi trường Thủ đô

Giảm áp lực giao thông lên nội đô là một trong những công việc quan trọng hàng đầu. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đang được xây dựng. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối với các cao tốc quan trọng, như: Hà Nội - Lào Cai, Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho nội đô và nâng cao năng lực vận tải liên vùng.

2-moi-truong.jpg
URENCO tăng cường tưới nước rửa đường để hạn chế bụi mịn gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Hiệp

Chiều 10-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh). Việc xây dựng Sân bay Gia Bình cấp 4E lưỡng dụng sẽ bổ sung, hỗ trợ Sân bay Nội Bài đang quá tải và không còn nhiều dư địa mở rộng. Sân bay này cùng tuyến đường kết nối với trung tâm Hà Nội được xây dựng xứng tầm, hiện đại, đồng bộ, khang trang sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, tạo điểm nhấn cảnh quan, diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh…

Về việc hạn chế ô nhiễm môi trường do khí thải ô tô, xe máy, hiện đã và đang có những động thái khá tích cực. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quyết định quy định về lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Cuối năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng dự thảo vùng phát thải thấp tại Thủ đô; trong đó xác định vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Chuẩn bị cho việc cấm xe máy trong tương lai và hiện Hà Nội đang dồn lực cho việc phát triển giao thông công cộng, nhất là phát triển các tuyến metro và xe buýt xanh.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn từ 2031 - 2035 sẽ thay thế xe buýt chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện. Giai đoạn 2024 - 2045, thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thiện khoảng 12 tuyến đường sắt đô thị (khoảng 600km) với tổng mức đầu tư gần 50 tỉ USD.

Hy vọng, với những nỗ lực từ nhiều phía, Hà Nội sẽ thực sự sớm chuyển mình “Xanh, sạch, đẹp”, xứng đáng với tầm vóc Thủ đô của một đất nước Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để mỗi sáng, người dân lại có niềm vui, niềm tự hào khi mở xem thấy thời tiết báo “Hà Nội hôm nay không khí trong lành”, chứ không phải thấy mừng vui với mức chất lượng không khí trung bình như hiện nay.

Hà Nội đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường, như: Xử lý ô nhiễm không khí, xử lý nước thải, làm sạch các dòng sông, hiện đại hóa công tác thu gom rác thải…

Cụ thể, Hà Nội đang thực hiện các giải pháp giảm phương tiện xe cá nhân, tăng cường đầu tư, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi giao thông xanh, xóa bỏ tình trạng đốt than tổ ong, tăng cường rửa đường, giám sát vệ sinh môi trường các công trình xây dựng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui mừng khi được xếp hạng “trung bình”!?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.