(HNM) - Những ngày này có cảm tưởng như Hà Nội đã chính thức bước vào mùa nắng nóng. Và thời tiết càng oi bức, ngột ngạt bao nhiêu thì nỗi lo về chuyện úng ngập trong mùa mưa lại tăng thêm bấy nhiêu.
Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I (1998-2005) phải chi khoảng 2.700 tỷ đồng. Giai đoạn II của dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2013, cần thêm khoảng 6.300 tỷ đồng. Tựu trung, sẽ có khoảng 9.000 tỷ đồng đầu tư cho việc thoát nước của Hà Nội - một số tiền không nhỏ, ấy là chưa tính toán chuyện... trượt giá, bội chi. Mục tiêu đặt ra là sau khi hoàn thành dự án này, Hà Nội sẽ nâng cao được khả năng giải quyết úng ngập với lượng mưa 310 mm/2ngày.
Tháng 11-2008 - thời điểm giai đoạn I đã hoàn thành và giai đoạn II của dự án đã thực hiện được gần một nửa thời gian - Hà Nội đối mặt với trận lũ lụt lịch sử, hầu hết các con phố đều ngập chìm trong nước. Những gì dự án thoát nước đã triển khai có cơ hội để kiểm chứng khả năng trong thực tế. Sự yếu kém đã bộc lộ nhưng có khá nhiều lý do được đưa ra. Nào là hàng chục năm trời mới có trận mưa lớn như vậy; lượng mưa vượt xa con số tính toán trong dự án; các hạng mục đang triển khai nên chưa thể phát huy hiệu quả đồng bộ... Rồi hàng loạt những phân tích về kỹ thuật mà không phải ai cũng hiểu.
Sau trận mưa đầu mùa của năm 2009, ngành chức năng tổ chức họp báo và công bố, trong số 28 điểm dự kiến úng ngập đã giải quyết được... 3 điểm gồm Trần Đăng Ninh, Chùa Hà, Nguyễn Tam Trinh. Và thực tế cả 25 điểm đen đều đã ngập trong nước dù mưa chưa phải quá lớn. Tất nhiên, giải quyết các điểm đen úng ngập là không đơn giản với hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan, song với tiến độ "một năm giảm... 3 điểm ngập úng", liệu bao giờ thủ đô mới hết cảnh Hà... lội phố ?
Tháng 7-2010, đúng mùa mưa năm trước, trong bài phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thừa nhận năng lực thoát nước của Hà Nội còn nhiều hạn chế. Cụ thể việc tiêu thoát của TP hiện chỉ đáp ứng được với trận mưa 50mm trong hai giờ, nếu mưa từ 50-100mm/giờ sẽ có 25 điểm úng ngập, mưa lớn vượt quá 100mm thì không kể hết bao nhiêu điểm ngập...
Mới đây, Sở Xây dựng đưa ra dự báo, mùa mưa năm 2011, với những trận mưa lớn hơn 100mm, Hà Nội có thể xuất hiện 23 điểm úng ngập. Tất nhiên dự báo đó còn phải kiểm nghiệm độ chính xác trong thực tế nhưng nếu đem so sánh với tình hình những năm trước đây thì cũng có cải thiện được phần nào. Giai đoạn II của Dự án thoát nước Hà Nội có 14 gói thầu, tới thời điểm này gói thầu số 1 "Xây dựng giai đoạn 2 trạm bơm Yên Sở và bãi đổ bùn Yên Mỹ" đã hoàn thành, 7/13 gói thầu còn lại đã được tổ chức đấu thầu và triển khai thi công, trong đó có việc cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực các con sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, sông Sét, sông Lừ, hàng loạt các hồ trong khu vực nội thành được nạo vét, cải tạo... Những thông tin đó thật đáng mừng, nỗi lo về cảnh lụt lội cũng phần nào vợi bớt. Song có những lãnh đạo của Công ty Thoát nước và Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội từng phát biểu, ngay cả vào năm 2013 - thời điểm toàn bộ Dự án thoát nước Hà Nội hoàn thành, khi có những cơn mưa lớn, chuyện Hà Nội không xảy ra cảnh úng ngập là không thể, vấn đề chỉ là sẽ thoát nước trong bao nhiêu lâu (nhanh hay chậm) mà thôi ! Vậy thì cũng như người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải quen cảnh sống chung với lũ, người Hà Nội cũng dần phải quen với nỗi lo về chuyện ngập lụt như "đến hẹn lại lên", năm nào.... chẳng có !
Bao giờ mới có một dự án thoát nước hoàn chỉnh cho Hà Nội để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay ? Chắc chắn vào thời điểm hiện tại, ngành chức năng còn đang nợ câu trả lời với những giải pháp mang tính tổng thể, có tầm nhìn xa trông rộng về tương lai kiểu như tầm nhìn 2020, 2030 hoặc lâu hơn nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.