Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền bù để người dân tự lựa chọn nhà tái định cư

Tuấn Việt| 12/04/2016 06:31

(HNM) - Cùng với việc triển khai nhiều dự án trong những năm gần đây, Hà Nội thực hiện GPMB với diện tích lớn, đi kèm là chính sách xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ GPMB thì cũng có nhiều hộ dân không có nhu cầu ở nhà tái định cư.

Khu nhà ở tái định cư B10A Nam Trung Yên (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Giá bán nhà tái định cư theo giá thị trường

Qua nắm bắt thực tế của Ban KT-NS HĐND TP Hà Nội, việc tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư của TP Hồ Chí Minh đều giao UBND các quận, huyện tạo quỹ đất ở, quỹ nhà ở theo quy định của thành phố để bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất đủ điều kiện (do quận, huyện xây dựng hoặc mua của các dự án trên địa bàn thành phố rồi bán lại cho các hộ tái định cư) hoặc giới thiệu cho người bị thu hồi đất các dự án xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố để người dân tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu. Cách làm trên vừa tạo cho các quận, huyện chủ động quỹ nhà bố trí tái định cư trong thực hiện nhiệm vụ GPMB, vừa gắn trách nhiệm của chính quyền quận, huyện với nhân dân tái định cư trên địa bàn. Đáng chú ý, giá đất nền và giá căn hộ tái định cư tại TP Hồ Chí Minh được xác định theo giá giao dịch thực tế trên thị trường. Trường hợp người bị thu hồi đất có nguyện vọng được tái định cư vào quỹ nhà, quỹ đất của Nhà nước (do UBND quận, huyện xây dựng hoặc mua của các dự án nhà ở thương mại) thì đơn giá thu tiền sử dụng đất, giá bán, cho thuê nhà tái định cư theo mức giá phù hợp với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường do UBND cấp huyện phê duyệt (trừ trường hợp đặc biệt do thành phố quyết định). Trường hợp người bị thu hồi đất không có nguyện vọng được tái định cư vào quỹ nhà, quỹ đất của Nhà nước thì UBND quận, huyện giới thiệu cho người bị thu hồi đất các dự án có nhà ở, đất ở bán trên địa bàn thành phố; giá bán nhà ở, đất ở trong trường hợp này theo thỏa thuận giữa các bên.

Theo Phó Trưởng ban KT-NS HĐND TP Hà Nội, Phạm Thị Thanh Mai, việc bố trí tái định cư và xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư, giá bán nhà tái định cư theo mức giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường có ưu điểm cơ bản là làm giảm nhu cầu ảo nhận nhà tái định cư từ Nhà nước, bởi chỉ những người bị thu hồi đất đủ điều kiện được bố trí tái định cư có nhu cầu tái định cư thực sự mới đăng ký nhà ở, đất ở tái định cư (vì không còn có chênh lệch giữa giá bán nhà tái định cư và giá thị trường). Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tạo quỹ đất ở, quỹ nhà ở tái định cư, giảm áp lực về công tác chuẩn bị tái định cư. Theo thống kê của TP Hồ Chí Minh, áp dụng giá sát với thị trường, đa số người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường để tự lo nơi ở mới, tại quận 2 chỉ có khoảng 10% số người bị thu hồi đất đủ điều kiện được tái định cư đăng ký nhận nhà tái định cư của Nhà nước. Ngoài ra, việc này còn tạo thuận lợi cho người bị thu hồi đất lựa chọn nơi ở mới phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu. Do giá bán nhà tái định cư bằng giá thị trường nên đa phần người dân có xu hướng nhận tiền để tự lo chỗ ở phù hợp (cả về địa bàn, diện tích, chất lượng nhà...).

Giảm nhu cầu tái định cư ảo

Còn với Hà Nội, việc tạo quỹ nhà tái định cư hiện chủ yếu do các cơ quan của thành phố lo xây dựng. Điều này chưa tạo được sự gắn kết của chính quyền quận, huyện với nhân dân phải tái định cư trên địa bàn và không đáp ứng yêu cầu quỹ nhà tái định cư của các dự án. Hiện, TP Hà Nội vẫn bán nhà tái định cư theo giá thấp hơn giá thị trường (do giá đền bù GPMB chưa xác định sát giá thị trường). Cách làm này của Hà Nội đã khuyến khích người dân tìm mọi cách để được nhận nhà tái định cư cho dù không thực sự có nhu cầu về nhà ở (do giá thấp). Nhiều người nhận nhà cốt để bán lấy chênh lệch rồi đi mua nhà chỗ khác để ở (do chất lượng nhà tái định cư thấp, chỗ ở không phù hợp...) gây căng thẳng trong chuẩn bị quỹ nhà tái định cư của thành phố, gây lãng phí xã hội (do nhiều nhà tái định cư không có người ở).

Qua nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Ban KT-NS HĐND thành phố đã đề xuất, kiến nghị UBND thành phố nên áp dụng, chỉ đạo thực hiện việc xác định giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất và giá thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà tái định cư sát giá thị trường trong điều kiện bình thường (tính "đầu vào" cân đối với "đầu ra") nhằm tạo đồng thuận của nhân dân trong GPMB, giảm bớt nhu cầu tái định cư ảo, giảm áp lực cho công tác chuẩn bị quỹ nhà ở, đất ở tái định cư. UBND thành phố cũng xem xét phân cấp mạnh hơn cho UBND các quận, huyện, thị xã chủ động lập và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư (đền bù bằng đất ở), chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để phục vụ GPMB trên địa bàn quận, huyện (bằng xây dựng các khu nhà chung cư tái định cư hoặc mua từ các dự án thương mại). Đặc biệt, nên ủy quyền cho quận, huyện quyết định giá bán nhà tái định cư theo giá thị trường tại thời điểm giao nhà phù hợp địa bàn từng quận, huyện. Đối với những quận nội thành không có quỹ đất để bố trí tái định cư thì báo cáo UBND thành phố để bố trí địa điểm phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở thương mại đăng ký thông tin để các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền có thể giới thiệu cho người bị thu hồi đất mua trực tiếp của doanh nghiệp theo cơ chế tự thỏa thuận.

Những kiến nghị của Ban KT-NS HĐND thành phố đã được UBND thành phố tiếp thu nhưng rõ ràng, để làm được cần phải thay đổi hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến GPMB, bố trí nhà tái định cư cho người bị thu hồi đất đang thực hiện. Điều này không thể thực hiện ngay được. Tuy nhiên, giá đền bù GPMB sát giá thị trường là xu thế tất yếu. TP Hà Nội cần xây dựng một lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện nhằm khắc phục triệt để những bất cập đang đặt ra hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền bù để người dân tự lựa chọn nhà tái định cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.