Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến 2015: Diện tích nhà ở tối thiểu của Hà Nội đạt 6,5m2/người

Hồng vân| 03/07/2013 09:38

(HNMO) - Chương trình phát triển nhà ở Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 đặt chỉ tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,1m2/người...

Đến năm 2015, diện tích nhà ở tối thiểu của Hà Nội đạt 6,5m2/người


Cân nhắc kỹ chỉ tiêu phát triển nhà ở tái định cư

Thảo luận về nội dung Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đánh giá, Chương trình được xây dựng công phu, nghiêm túc, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản phù hợp với Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, Chương trình còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Về các vấn đề chung, một số đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại các nội dung của Mục tiêu chung và Quan điểm cho khoa học, tránh trùng lặp, không đúng trọng tâm. Cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của nhà ở đối với đời sống nhân dân để có quan điểm nhất quán trong phát triển nhà ở của Thành phố, bổ sung định hướng tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố, nhà chung cư, nhà ở cho thuê trong quan điểm phát triển về nhà ở. Đặc biệt, các nội dung của Chương trình còn nặng về hướng nhà nước phát triển nhà ở, các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển nhà ở còn mờ nhạt.

Đi vào những vấn đề cụ thể, các đại biểu quan tâm đến khả năng thực hiện và tính khoa học của các chỉ tiêu đã đề ra cho mỗi giai đoạn.

Góp ý cho chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, theo đại biểu Nguyễn Xuân Diên, hiện nay chúng ta đang còn tồn khoảng 56.000 nhà ở tái định cư mà Chương trình lại đặt ra chỉ tiêu xây dựng một khối lượng khá lớn nhà ở loại này từ nay đến năm 2015 là không phù hợp. Đặc biệt, khi sắp tới, Nhà nước thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất theo giá thị trường thì những người trong diện bị thu hồi đất có nhất thiết cần ở nhà tái định cư hay không khi họ có quyền và có nhiều sự lựa chọn?

Về chỉ tiêu phát triển nhà ở nông thôn, đại biểu Đỗ Trung Hai đề nghị, khi đặt ra chỉ tiêu phát triển nhà ở nông thôn thấp hơn nhà ở đô thị, Chương trình cần làm rõ thực trạng nhà ở nông thôn hiện nay bởi thực tế, nhiều khu vực nông thôn hiện có diện tích nhà ở rất chật.

“Các chỉ tiêu phát triển nhà ở nông thôn phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung của thủ đô. Chương trình cần cụ thể hóa hơn nữa diện tích đất dành cho giãn dân nông thôn từ nay đến 2015”, đại biểu Hai nói.

Ngoài các nội dung này, một số đại biểu cũng băn khoăn về quan điểm xóa bỏ cơ chế bao cấp về nhà ở. Theo các đại biểu, hiện chúng ta đã và đang thực hiện việc xóa bỏ bao cấp về nhà ở, do đó quan điểm này nên được tiếp tục thực hiện, đồng thời, gắn quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở với quản lý kiến trúc đô thị, tạm dừng xây dựng một số nhà ở thương mại ở khu vực nội đô.

Đến năm 2015: Diện tích nhà ở tối thiểu của Hà Nội đạt 6,5m2/người

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu, nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, đã được thông qua với tỷ lệ tán thành là 88,4%.

Chương trình đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện xóa bao cấp về nhà ở, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, giữ gìn cân bằng sinh thái.

Việc phát triển nhà ở của Hà Nội phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát; Đa dạng hóa sản phẩm nhà ở để phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng trong xã hội, khuyến khích xây dựng nhà ở để cho thuê, nhà ở bán trả dần; phát triển nhà ở phải kết hợp giữa xây mới và cải tạo, giữa hiện đại với giữ gìn bản sắc địa phương. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp, tạo điều kiện cho các đối tượng xã hội gồm người có công với cách mạng, hộ nghèo khu vực nông thôn, người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm chất độc da cam tự cải thiện nhà ở

Theo đó, quan điểm của Chương trình là nhằm đáp ứng cải thiện chỗ ở của nhân dân, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của TP Hà Nội; thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà ở; khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Trên cơ sở nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2030, Thành phố bố trí ngân sách nhà nước đầu tư về nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách khác có khó khăn về nhà ở; thực hiện chủ trương kết hợp giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội nhằm từng bước cải thiện chỗ ở cho nhân dân; Kết hợp giữa phát triển với bảo tồn nhà ở khu phố cổ, phố cũ; cải tạo chỉnh trang, mở rộng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc của tầng địa phương trên địa bàn Hà Nội; Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước trong lình vực nhà ở phù hợp với công tác quản lý trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Chương trình đưa ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 là: Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,1m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu là 6,5m2/người), trong đó khu vực đô thị là 26,6m2/người, khu vực nông thôn là 20m2/người; diện tích nhà ở khoảng 166.320.000m2; Nâng tỉ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố Hà Nội lên 89,7%, giảm tỉ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%; Dự kiến thực hiện khoảng 600.000m2 nhà ở, đáp ứng 100.000 chỗ ở cho sinh viên; thực hiện 1.500.000m2 nhà ở đáp ứng 230.000 chỗ ở cho công nhân; thực hiện khoảng 1.100.000m2 nhà ở đáp ứng 15.500 căn hộ cho người có thu nhập thấp mua, thuê và thuê mua; xây dựng khoảng 1.400m2 nhà ở công vụ; thực hiện khoảng 1.600.000m2 nhà ở đáp ứng 20.000 căn hộ tái định cư….

Đồng thời, tạm ngừng, chưa xem xét đề xuất một số dự án phát triển nhà ở thương mại, thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dựng theo tiêu chí của Bộ Xây dựng trình Chính phủ. Thực hiện việc quản lý quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội; tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại độ thị đạt 87%; tỷ lệ nhà ở cho thuê các dự án nhà ở tại đô thị đạt 25%.

Dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua; nhà ở công vụ; một phần nhà ở cho sinh viên, nhà ở tái định cư; hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở khoảng 8.453,4 tỷ đồng. Quỹ đất ở đô thị và nông thôn tăng thêm 2.133,7ha.

Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố là 26,3m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 8,5m2), trong đó khu vực đô thị là 28,7m2/ người, khu vực nông thôn 22,7m2/người; diện tích nhà ở khoảng 207.375.000m2; Nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên thành 91,2%; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà ở đơn sơ.

Về nhu cầu nhà ở xã hội, dự kiến nhu cầu về nhà ở sinh viên khoảng 800.000m2 sàn nhà ở, tương ứng 130.000 chỗ cho sinh viên; nhu cầu nhà ở công nhân cần khoảng 4.000.000m2 sàn nhà ở, tương ứng 400.000m2 chỗ ở cho công nhân; nhu cầu nhà ở thu nhập thấp cho các đối tượng chính sách xã hội khác cần khoảng 5.000.000m2 sàn nhà ở, tương ứng 72.000 căn hộ; nhu cầu về nhà ở công vụ khoảng 30 căn, tương ứng 2.100m2 nhà công vụ; nhu cầu nhà ở tái định cư cần khoảng 35.000 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn, tương ứng 2.800.000m2 sàn

Thành phố tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, thực hiện việc quản lý quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội; tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại dô thị đạt 89%; tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở tại đô thị đạt 30%.

Vốn đầu tư từ ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách nhà ở cho sinh viên, nhà ở tái định cư khoảng 7.635 tỷ đồng (chiếm 1,7% tổng vốn đầu tư xây dựng đến năm 2020). Quỹ đất ở đô thị và nông thôn tăng thêm 3.664,6ha.

Đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, thỏa mãn nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Thành phố có những cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xanh sạch, hiện đại, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Hà Nội.

Theo đó, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố Hà Nội là 31,5m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu là 12,6m2/người), trong đó khu vực đô thị 33,8m2/người, khu vực nông thôn 27,1m2/người; diện tích nhà ở khoảng 283.500.000m2 và thực hiện cải tạo chỉnh trang nhà ở đã có; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố lên 93,2%. Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 93%; tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở tại đô thị đạt 35%.

Dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách khoảng 8.612,7 tỷ đồng. Quỹ đất ở đô thị và nông thôn tăng 5.542,9ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến 2015: Diện tích nhà ở tối thiểu của Hà Nội đạt 6,5m2/người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.