Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để xứng đáng với niềm tin

Thế Đan| 07/03/2022 06:30

(HNM) - Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu HĐND đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương. Đại biểu HĐND các cấp là hạt nhân trong hoạt động của HĐND cùng cấp. Hoạt động của đại biểu chính là góp phần vào tổng thể hoạt động của toàn thể HĐND trên nền tảng pháp lý quy định. Chính vì vậy, vai trò, hoạt động của đại biểu sẽ quyết định sự thành công, chất lượng của HĐND.

Điều đó thêm một lần được khẳng định trong phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022, tổ chức ngày 21-2 vừa qua: Cần coi đại biểu HĐND là trung tâm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung…

Vấn đề đặt ra là cần làm gì, làm như thế nào để đại biểu HĐND phát huy vai trò của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao?

Trước hết, để thực hiện quyền, nhiệm vụ cũng như khẳng định vị trí, vai trò của mình, đại biểu HĐND phải tham gia đầy đủ các kỳ họp của HĐND, thảo luận có chất lượng và biểu quyết các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và nhiệm vụ của HĐND dự kiến; đồng thời phải thực hiện đúng Chương trình hành động của mình trước cử tri. Đại biểu thực hiện quyền giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua các hoạt động như xem xét báo cáo công tác, tình hình thực thi pháp luật, dự thảo nghị quyết của HĐND, các báo cáo liên quan; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn của người đứng đầu chính quyền địa phương, các ngành Tư pháp cùng cấp qua việc thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, cuộc họp thẩm tra của Ban nếu là thành viên… Đây là quyền hạn quan trọng nhất và khẳng định vai trò của đại biểu HĐND.

Trách nhiệm của đại biểu HĐND còn được thể hiện thông qua việc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp thật đầy đủ nhằm thực hiện việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để kiến nghị đề xuất các cấp thẩm quyền giải quyết. Ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri nơi ứng cử. Đại biểu HĐND cũng cần tham gia trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri của chính quyền các cấp... Ngoài ra, đại biểu HĐND có thể thực hiện một số hoạt động khác trên cơ sở quyền của đại biểu HĐND theo quy định.

Thực tế cho thấy, cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động dân cử, để HĐND hoạt động thật sự hiệu quả thì phải phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ngoài ra, việc bố trí cơ cấu đại biểu HĐND cũng cần lưu ý đến sự cân đối về trình độ chuyên môn giữa các lĩnh vực (kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, đô thị, pháp chế, dân tộc), tránh bố trí thiên về một lĩnh vực, để bảo đảm HĐND thực hiện giám sát, thẩm tra có chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Để hoạt động của đại biểu HĐND đạt hiệu quả, trước hết thông tin phục vụ cho hoạt động phải mang tính khách quan, khoa học, độc lập và kịp thời được xử lý từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể từ các cơ quan chấp hành; từ tổ chức chính trị - xã hội; từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát. Khi có đầy đủ thông tin sẽ giúp đại biểu HĐND phân tích, đánh giá đầy đủ, đúng đắn, khách quan và kiến nghị các biện pháp giải quyết phù hợp; đại biểu tự tin hơn trong biểu quyết. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là do một số quy định của pháp luật chưa cụ thể, phù hợp với thực tiễn, như: Chưa có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục giám sát của Tổ đại biểu HĐND; quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên do kỳ họp HĐND diễn ra trong thời gian ngắn nên thời gian cho việc xây dựng dự thảo nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào dự thảo nghị quyết hầu như không có; chưa quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của đại biểu HĐND... Do đó, những tồn tại này cũng rất cần sớm được sửa đổi.

Nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND các cấp bước sang năm thứ hai, mong muốn của cử tri là các đại biểu HĐND phát huy hơn nữa vai trò, trọng trách được giao, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân đã kỳ vọng, gửi gắm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để xứng đáng với niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.