Sáng 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương, quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.
Đối với quản lý hoạt động hóa chất, nhằm kịp thời nắm bắt các hóa chất nguy hiểm mới được đưa vào Việt Nam, dự thảo quy định tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo. Số liệu khai báo sẽ được đồng bộ vào cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các bộ quản lý chuyên ngành.
Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất, phiếu an toàn hóa chất để bảo đảm trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong việc cung cấp và tiếp cận đầy đủ thông tin về hóa chất.
Về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, các bộ quản lý ngành công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật cần quản lý. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa nêu trên có trách nhiệm xây dựng quy trình quản lý hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất sản phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm công bố thông tin hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm trên cơ sở dữ liệu hóa chất. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng, dựa trên sự tự giác, trách nhiệm xã hội và không phát sinh thủ tục hành chính.
Báo cáo thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện quy định chi tiết, đầy đủ hơn, phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ có liên quan thực hiện một số hoạt động về quản lý, sử dụng hóa chất cụ thể; đánh giá nội dung phân cấp cho UBND cấp tỉnh, bảo đảm tính khả thi.
Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ giá trị pháp lý, mối quan hệ giữa phiếu đã được lập, xác nhận với việc công bố trên cơ sở dữ liệu hóa chất về loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng; nghiên cứu loại bớt nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để tránh chồng chéo, gia tăng nghĩa vụ tuân thủ pháp luật cho cá nhân, tổ chức (ví dụ như thủ tục lập, xác nhận phiếu, công bố thông tin).
Thảo luận tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương tại Kết luận của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo cần rà soát bổ sung thêm quy định về giải thích từ ngữ; đối với hóa chất kèm theo hàng hóa nhập khẩu, cần xác định mức độ độc hại.
“Hóa chất độc hại thì dứt khoát không nhập về, không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường truyền thông về an toàn hóa chất đối với cộng đồng; tăng cường chế tài xử phạt, áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng về hóa chất gây hậu quả xấu đối với sức khỏe con người và môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua thảo luận cũng đề nghị cần rà soát, giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo giữa dự thảo Luật và pháp luật hiện hành, không tạo ra “khoảng trống” pháp lý trong quản lý hóa chất; tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.