(HNMO) - Sáng 16-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.
Trình bày báo cáo dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.
Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt và để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát một chuyên đề tại kỳ họp thứ chín; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát một chuyên đề tại phiên họp tháng 9.
Tổng Thư ký Quốc hội trình đề nghị lựa chọn 2 trong 3 nội dung chuyên đề. Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA); chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Sau khi thảo luận, hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Những nội dung này sẽ được trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.
Tán thành nội dung giám sát, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất đổi tên nội dung chuyên đề 1 thành giám sát "Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em".
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội cần lên tiếng về việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, nhìn từ góc độ tư pháp. Nhắc tới những vụ việc vừa qua gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là những vụ việc xâm hại cả tinh thần và thể xác trẻ em, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này".
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất chọn hai chuyên đề giám sát để trình Quốc hội lựa chọn là: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em" và "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)". Trong hai nội dung trên, Quốc hội sẽ chọn giám sát tối cao một nội dung và nội dung còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát. Đối với chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, có thể xem xét, rà soát để cân nhắc về phạm vi nội dung giám sát cho phù hợp, tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm xâm hại trẻ em.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện tờ trình, các nội dung giám sát, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và các văn bản liên quan để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy.
*Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội xây dựng báo cáo chuẩn bị kỳ họp. Về dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội thống nhất họp trong khoảng 20 ngày, nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ trong vòng 20 ngày trở lại. Tại kỳ họp thứ bảy, thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày, trong đó, vấn đề kinh tế - xã hội là 1,5 ngày...
"Văn phòng Quốc hội cho áp dụng ngay một số chương trình phần mềm có thể phục vụ cho đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.