(HNMO) - Sáng 13-6, Quốc hội đã khởi động phiên thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên, các đại biểu đều đánh giá cao những biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc khơi dậy sức mạnh toàn dân đồng lòng chống dịch Covid-19 thành công, được thế giới ghi nhận. Nhiều giải pháp cụ thể cũng được đề xuất nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Ứng phó kịp thời trong phòng, chống Covid-19
Phiên thảo luận sáng 13-6 đã có tới 90 đại biểu đăng ký thảo luận, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về nội dung trên.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai, hạn hán được xem là “tác động kép” nhưng Việt Nam đã có những ứng phó tuyệt vời, để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang căng mình chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cả trước và sau dịch Covid-19. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đạt và vượt trong những tháng đầu năm 2020 và theo dự báo vẫn đạt mức tăng trưởng gần 3%. Đây là một dấu ấn rất quan trọng trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Đại biểu cũng khẳng định, cử tri và nhân dân có thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị về các giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn Chính phủ đã có quyết sách thì cần thực hiện nhanh chóng, đưa những chính sách này vào cuộc sống.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chiến thắng dịch Covid-19 là chiến công thần kỳ của đất nước, chống dịch thành công làm nên thương hiệu quốc tế của Việt Nam. Khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn quốc chống dịch; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “chống dịch như chống giặc”, cả triệu người đã cùng nhau chống dịch Covid-19 và đã chiến thắng dịch.
Khẳng định những thành tựu phòng, chống dịch, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng cho rằng, một trong những thế mạnh của Việt Nam chính là sự đa dạng, đặc sắc về lĩnh vực văn hóa, nếu khai thác tốt thế mạnh này sẽ tạo ra “sức mạnh mềm” để phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ lưu tâm phát triển “kinh tế - văn xã”, coi đây là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của nước ta.
Đánh giá cao việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách lao động, an sinh xã hội... để duy trì trạng thái kinh tế vĩ mô không bị biến động, phát triển kinh tế không bị suy giảm nhanh và trong tầm kiểm soát, đồng thời duy trì được an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cũng chia sẻ với đề xuất của Chính phủ về việc tạm dừng tăng lương cơ bản đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Bởi, trong khi lạm phát, chỉ số tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của đồng tiền thì việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị đồng lương. Đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng nhấn mạnh, giải pháp căn cơ “thắt lưng buộc bụng” trong tình hình hiện nay phải là thực sự tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải thật sự thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả. Đặc biệt là phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cũng ủng hộ việc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu. Đây là quyết định ảnh hưởng tới thu nhập của hàng triệu người dân nhưng theo đại biểu, đây là sự hy sinh cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động của vấn đề này và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở sẽ kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào những mục tiêu nào để nhân dân được biết và ủng hộ.
Kiến nghị những giải pháp thiết thực
Nêu số liệu dự báo từ các tổ chức quốc tế cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ còn 4,8 - 4,9%, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo chỉ là 2,7%, còn trong nước đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nước ta là 6,8%, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, Chính phủ xem xét có cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng do tác động của dịch bệnh hay không. Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu, phân bổ ngân sách, nguồn lực cho hợp lý, dự báo chi tiết khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Lưu ý việc triển khai các chính sách hỗ trợ người ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát công tác chi trả để “tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”.
Đại biểu cũng nhìn nhận ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành “cứu cánh”. Theo đại biểu, hiện cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp. Đại biểu đề xuất cần tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực này, bớt và bỏ các rào cản, thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng...
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái đàn lợn để bảo đảm nguồn cung trong cả nước, kiểm soát giá thịt lợn đang tăng cao như hiện nay.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị, sau giãn cách xã hội, tình trạng người dân tham gia giao thông, uống rượu, bia có chiều hướng gia tăng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là các hành vi lái xe khi có nồng độ cồn và có thể thiết lập chốt chặn gần các quán nhậu hoặc đầu các tuyến đường cao tốc.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị lưu tâm đến việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở một số tỉnh, thành phố, hoàn thiện các trục giao thông động lực kết nối các vùng miền.
* Chiều 13-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về vấn đề này.
Tạo tâm thế phấn khởi cho đội ngũ giáo viên
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 13-6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, cách đây 7 tháng, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đại biểu có nêu ý kiến cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tình trạng hàng nghìn giáo viên hợp đồng không thời hạn có nguy cơ mất việc làm. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hứa giải quyết và trước đó đã có công văn hướng dẫn thành phố Hà Nội tuyển dụng đặc cách số giáo viên này theo ý kiến của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau 7 tháng, sự việc chưa được giải quyết.
Mới đây, khi cử tri phản ánh về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu tin tưởng, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã và đang được hiện thực hóa, góp phần tạo tâm lý phấn khởi cho đội ngũ giáo viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.