Hà Nội kết nối

Đề xuất cơ chế đặc thù để xây dựng nhanh đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh

Nhóm phóng viên 19/06/2024 - 14:49

Đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh đi qua 5 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, được kỳ vọng là trục giao thông liên kết để cả vùng phát triển.

a155a.jpg
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh. Đồ họa: GT.

Bình Dương tiên phong

Theo quy hoạch, đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh dài 206,8 km đi qua 5 tỉnh, thành phố, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7 km; Đồng Nai: 45,6 km; Bình Dương: 47,45 km; thành phố Hồ Chí Minh: 17,3 km; Long An: 78,3 km. Theo Quyết định 1454/2021 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

Tỉnh Bình Dương, với truyền thống tự lực tự chủ trong phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đã xây dựng xong một số đoạn tuyến của đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh. Đơn cử, trong gần 48km đường qua tỉnh, Bình Dương đã chủ động xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 8km đường quy mô 10 làn xe qua thị xã Bến Cát.

a157a.jpg
Tỉnh Bình Dương đã xây dựng được khoảng 8km đường Vành đai 4 qua thị xã Bến Cát. Ảnh: GT.

Với những đoạn tuyến còn lại, tỉnh sẽ xây dựng,quy mô 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m. Tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 18.200 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay); nhu cầu đất sử dụng cho dự án khoảng khoảng 419,6 ha (bao gồm cả tuyến kết nối 6,2ha).

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Bình Dương Trần Hùng Việt thông tin, tính đến nửa cuối tháng 6-2024, tỉnh đã giải phóng được 67% diện tích mặt bằng đoạn Vành đai 4 cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn; phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng theo 2 đợt. Với đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc, đã chi tiền bồi thường đạt 97%, bàn giao mặt bằng đạt 94%. Tỉnh phấn đấu giải phóng 100% mặt bằng cả 2 đoạn tuyến trong quý III-2024.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh xác định có 3 phương án huy động vốn chi dự án quan trọng này, gồm vốn huy động xã hội hóa (đối tác công tư PPP); nguồn vốn Trung ương; nguồn vốn địa phương. Từ cuối năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định bố trí kế hoạch vốn cho dự án là 7.500 tỷ đồng.

a158.jpg
Người dân xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương họp nghe chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 qua địa bàn. Ảnh: Phương Lê.

“Tỉnh sẽ cắt giảm các nguồn vốn đầu tư cho những dự án chưa quan trọng để dồn cho dự án đường Vành đai 4. Cùng với đó, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn cho dự án. Viêc này hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh vẫn quyết tâm làm”, ông Võ Văn Minh thông tin.

Một số đề xuất chính sách đặc thù

Khó khăn lớn nhất của dự án đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh này hiện đang là nguồn vốn đầu tư. Ngoài thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tự chủ nguồn vốn, các địa phương còn lại có tuyến Vành đai 4 đi qua đều có chung đề xuất Trung ương hỗ trợ từ 44% đến 75% tổng vốn đầu tư đoạn qua địa phương mình. Số vốn còn lại, các tỉnh đầu tư từ ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn lực xã hội.

Cụ thể, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng.

Long An có hơn 78km đường Vành đai 4 đi qua, tổng mức đầu tư ước tính hơn 54.600 tỷ đồng. Tỉnh đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng kinh phí thực hiện dự án để có thể sớm triển khai.

a162.jpg
Đoạn tuyến đường Vành đai 4 qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đoạn màu xanh). Nguồn: Sở GTVT tỉnh BR-VT.

Riêng với Đồng Nai, do địa phương đang và sẽ phải dồn lực cho nhiều dự án hạ tầng giao thông khác, nên trong tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng làm Vành đai 4, tỉnh đề xuất nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ 50% tổng vốn dự án.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh cũng đã đề xuất Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách hàng năm cho đia phương từ 50% lên 53% để tỉnh có thêm nguồn lực thực hiện các dự án, bao gồm Vành đai 4.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2026-2030 đang chờ Quốc hội xem xét phê duyệt. Vì vậy, UBND các địa phương có tuyến đường Vành đai 4 đi qua cùng các bộ, ngành liên quan đã đề xuất Chính phủ xem xét, cho áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai dự án quan trọng này. Đáp lại, Chính phủ đã có chỉ đạo khá rõ ràng.

a160.jpg
Đoạn Bàu Cạn - Thủ Biên thuộc đường Vành đai 4 qua tỉnh Đồng Nai sắp được triển khai xây dựng. Ảnh: GT.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các địa phương tìm phương án về vốn để thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm, có thể theo hình thức PPP, phát hành trái phiếu Chính phủ, trên nguyên tắc: Nguồn vốn Trung ương là để xây lắp, vốn địa phương để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Sau cuộc họp mới đây của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, ngoài các đề xuất về vốn nêu trên, các địa phương còn đề xuất Trung ương một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án đường Vành đai 4.

a159a.jpg
Đồ họa mặt cắt tuyến Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh: Nguồn: Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo trình tự thủ tục dự án nhóm A về đầu tư công; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện đầu tư công của dự án qua hai địa phương...

Cùng với đó, các địa phương cũng đề xuất Trung ương tiếp tục giải quyết những vướng mắc về cơ chế PPP, BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (đổi đất lấy hạ tầng) nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân với dự án. Mục tiêu chung là hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2027.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cơ chế đặc thù để xây dựng nhanh đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.