Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

Thanh Hiền| 07/09/2017 15:32

(HNMO) - Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố hiện có hai chợ đầu mối. Trong đó, chợ đầu mối phía Nam ở Khu đô thị Đền Lừ (phường Hoàn Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có diện tích 23.400 m2, với 468 hộ chuyên kinh doanh rau, củ, quả.


Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 6 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối gồm: chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín), chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai).

Ảnh minh họa.


Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố có 8 chợ đầu mối, trong đó, đã có 2 chợ và phát triển thêm 6 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng, diện tích từ 20 - 30 ha/chợ.

Trên cơ sở các vị trí quy hoạch xây dựng chợ, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố lựa chọn 1 đến 2 đơn vị, địa điểm đầu tư xây dựng chợ đầu mối trình HĐND thành phố thông qua danh mục dự án thu hồi đất. Từ đó làm căn cứ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo quỹ đất sạch; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ (tại vùng nông thôn); tiền thu từ đấu giá hoàn trả ngân sách nhà nước.

Để giải quyết thực trạng hoạt động đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, chính quyền Thủ đô dược quyết định tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong phát triển kinh tế Thủ đô, trong một số lĩnh vực dân sinh vượt mức quy định chung áp dụng toàn quốc.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công năm 2014 theo hướng cho phép áp dụng cơ chế vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được.

Tùy điều kiện của địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định danh mục dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được; làm căn cứ tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn huy động theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách.

Sau đó, tổ chức đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền thuê để thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn huy động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.