(HNM) - “Muốn quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để thay thế dần các hình thức thủ công như hiện nay. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng vi phạm tràn lan trong sử dụng thiết bị giám sát hành trình”. Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tình trạng mỗi tháng có tới 60.000-70.000 xe ô tô kinh doanh vận tải “trốn” truyền dữ liệu giám sát hành trình.
- Xin ông cho biết, thành phố hiện có bao nhiêu phương tiện vận tải trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình?
- Theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô, ô tô hoạt động kinh doanh vận tải đều thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 129.600 ô tô đã đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó, nhiều nhất là xe tải (66.901 xe), tiếp đến là xe hợp đồng chở khách (59.284 xe)…
- Số lượng phương tiện của Hà Nội vi phạm về truyền dữ liệu đang khá nhiều. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Theo hệ thống khai thác dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến ngày 30-3-2021, trung bình mỗi tháng, Hà Nội có khoảng 60.000-70.000 phương tiện của hơn 10.000 đơn vị vận tải có vi phạm.
Đây là con số khá lớn và chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị báo cáo, giải trình. Một số doanh nghiệp viện dẫn các lý do như: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều xe dừng hoạt động; thiết bị giám sát hành trình hỏng; xe đi vào vùng không có tín hiệu; xe gặp sự cố (cháy, tai nạn); xe thanh lý không báo cáo; công tác bảo dưỡng sửa chữa, cập nhật dữ liệu chưa tốt... Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bộ phận theo dõi an toàn giao thông ở doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chức năng đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
- Cơ quan chức năng có quyết liệt xử lý vi phạm không, thưa ông?
- Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình như: Thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu, vi phạm về tốc độ có thể lên tới 6 triệu đồng đối với cá nhân và 12 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng phù hiệu; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng…
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi 204 phù hiệu phương tiện, gồm cả xe hợp đồng, taxi, xe tuyến cố định, xe container, xe tải, xe đầu kéo, xe buýt, xe du lịch; trong đó nhiều nhất là xe hợp đồng với 144 phù hiệu. Trong ba tháng đầu năm 2021, do hệ thống khai thác dữ liệu giám sát hành trình đang được cập nhật nên Sở đang hướng dẫn các đơn vị báo cáo, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiếp tục xử lý nghiêm.
- Mặc dù đã kiên quyết xử lý nhưng vi phạm vẫn nhiều, vậy ông có thể cho biết đâu là vướng mắc và giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
- Hệ thống khai thác dữ liệu giám sát hành trình mới chỉ đáp ứng một phần công tác quản lý nhà nước. Đó là đưa ra thông tin vi phạm về tốc độ; thời gian làm việc của lái xe; xe không truyền dữ liệu. Trong khi đó, các tác nghiệp xử lý vi phạm lại được thực hiện thủ công, dữ liệu trích xuất từ hệ thống cần phải rà soát, kiểm tra cùng đơn vị vi phạm dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Thực tế, thành phố Hà Nội đang quản lý số lượng lớn phương tiện. Muốn quản lý chặt chẽ thì cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ; phải trang bị cho cơ quan quản lý nhà nước hạ tầng công nghệ thông tin để thay thế dần các hình thức quản lý thủ công như hiện nay.
Tôi cho rằng, điều đầu tiên là phải nâng cấp hệ thống giám sát, bảo đảm tính chính xác của dữ liệu, từ đó bỏ được các bước rà duyệt dữ liệu khi xử lý vi phạm. Hệ thống khai thác dữ liệu phải kết nối được với hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm đồng bộ hóa số liệu cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó phải kết nối đến từng đơn vị vận tải để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, giúp việc xử lý vi phạm được nhanh chóng. Cuối cùng là cần phải ban hành quy định về trình tự, thời hạn, thời hiệu trích xuất, trách nhiệm xử lý vi phạm quy định cung cấp, quản lý, sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp hệ thống dữ liệu, nghiên cứu bổ sung các thông tin liên quan, như: Hợp đồng vận chuyển, hóa đơn điện tử; việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tài chính, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.