Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để xe buýt hấp dẫn hành khách

Tuấn Lương| 07/09/2019 08:02

(HNM) - “Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp mở rộng mạng lưới, hợp lý hóa luồng tuyến và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, song sản lượng hành khách sử dụng xe buýt vẫn chưa tương xứng. Xe buýt chỉ có thể hấp dẫn và thu hút được đông đảo người dân khi nó chạy nhanh hơn, đúng giờ và an toàn hơn” - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhanh (BRT) đáp ứng tốt nhu cầu người dân do bảo đảm chất lượng phục vụ. Ảnh: Linh Ngọc

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô hiện nay?

- Đến nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới chỉ có xe buýt. Đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng. Có thể nói, trong 3 năm qua, thành phố và Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã nỗ lực tập trung vào nhiệm vụ mở rộng mạng lưới, hợp lý hóa luồng tuyến và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, thành phố đã mở mới được 35 tuyến buýt, nâng tổng số lên 123 tuyến với đa dạng về loại hình dịch vụ. Trong đó có 1 tuyến buýt nhanh BRT, 2 tuyến buýt chất lượng cao, 2 tuyến City tour và 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch - CNG. Mạng lưới tuyến đã phủ 100% quận, huyện; 75% địa bàn các phường, xã; 67% các trường đại học, cao đẳng và 87% các bệnh viện...

- Quan tâm đầu tư như vậy, song sản lượng hành khách vẫn chưa tăng tương xứng, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Lý do là bởi xe buýt chưa đi nhanh, chưa bảo đảm được tính đúng giờ. Tốc độ vận hành của xe buýt đang ngày càng giảm. Người tham gia giao thông sẽ luôn có xu hướng lựa chọn phương tiện nào có thể đi nhanh hơn các phương tiện khác; sau đó sẽ đến yếu tố an toàn. Ở cả hai yếu tố này hiện chưa đáp ứng được. Trước đây tốc độ xe buýt đạt hơn 20km/giờ, thì nay chỉ còn khoảng 17km/giờ. Giao thông tiếp cận xe buýt cũng chưa an toàn khi hầu hết vỉa hè đều bị chiếm dụng khiến cho việc đi bộ từ nhà hoặc cơ quan, trường học tới điểm dừng, nhà chờ xe buýt gặp nhiều khó khăn.

- Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ đáp ứng của xe buýt lên khoảng 20%. Làm thế nào để xe buýt thực sự hấp dẫn hành khách?

- Tôi cho rằng tỷ lệ 20% - gần gấp đôi so với hiện nay thực sự là một thách thức rất lớn. Để tiện lợi, hấp dẫn người dân thì xe buýt phải đi nhanh và an toàn hơn. Mà muốn đi nhanh và an toàn, xe buýt phải có đường dành riêng. Chỉ khi nào phương tiện vận tải công cộng đi nhanh hơn xe cá nhân thì lúc đó người dân sẽ lựa chọn phương tiện công cộng. 

Hiện, nhiều tuyến đường của Thủ đô rộng trên 7m, đủ để bố trí một làn riêng cho xe buýt như đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng... Thành phố nên chọn một vài tuyến làm thí điểm trước khi nghiên cứu nhân rộng. Thành phố cần có giải pháp ưu tiên về tổ chức giao thông để phương tiện nào cần được khuyến khích thì sẽ đi được tốc độ cao hơn. Người đi xe cá nhân sẽ không thể tị nạnh tại sao phương tiện công cộng lại có làn đường ưu tiên. Tại các làn riêng đó, trước mắt nếu những người tham gia giao thông chưa tự giác thì cơ quan chức năng phải cưỡng bức bằng dải phân cách để các phương tiện khác không lấn làn. Như với tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, dù có làn đường riêng nhưng vẫn chưa thể đi nhanh được do bị các phương tiện khác lấn làn. Các lực lượng chức năng cần xử lý kiên quyết với các hành vi lấn làn như vậy thông qua phạt “nguội”, phạt tại chỗ. Khi ý thức người tham gia giao thông chuyển biến thì có thể dỡ bỏ dải phân cách cứng, chỉ cần kẻ vạch sơn để phân làn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để xe buýt hấp dẫn hành khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.