Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để văn hóa thực sự là động lực phát triển

Th.S Tạ Thị Vân Hà| 26/05/2011 06:30

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.


Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”; “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.


Xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm là một trong những nội dung để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.       


Để những định hướng lớn đó đi vào thực tiễn cuộc sống, cần tập trung vào thực hiện 6 vấn đề sau:
- Xây dựng con người Việt Nam phát triển về thể lực, trí lực và tình cảm, có lý tưởng và nhiệt tình cách mạng, trung thành với sự nghiệp đổi mới, có kỹ năng lao động và sáng tạo, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Các phẩm chất cơ bản của con người cần xây dựng là con người công dân, con người khoa học và con người nhân văn. Đề cao việc xây dựng ý thức công dân, tinh thần tôn trọng và làm theo Hiến pháp và pháp luật; nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đề cao các giá trị nhân văn, hướng tới cái đúng, cái tốt và cái đẹp trong hoạt động thực tiễn. Tăng cường giáo dục lý tưởng chính trị, đạo đức xã hội và bản lĩnh văn hóa cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Nâng cao chất lượng công cuộc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa thông qua đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp, trong gia đình và cộng đồng dân cư... Xây dựng nếp sống văn minh, nhất là ở nơi công cộng.

- Mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, gắn kết chặt chẽ văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên văn hóa một cách hợp lý để phát triển du lịch dịch vụ. Đa dạng hóa các ngành nghề sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- Bảo đảm tự do và dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát huy vai trò tích cực của các lĩnh vực này trong việc xây dựng môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ những người làm báo đối với nhân dân, dân tộc và thời đại, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, các viện về văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật và báo chí từ trung ương đến địa phương.

- Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, cần chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm quốc gia và khu vực. Đặc biệt, Nhà nước quan tâm tới đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, phù hợp với yêu cầu quản lý văn hóa trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu ra một số nhiệm vụ chủ yếu để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. Đó là: xây dựng con người và lối sống văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa; xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa sản xuất kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ; phát triển văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng; phát triển thông tin đại chúng; tăng cường, chủ động hợp tác và mở rộng giao lưu quốc tế về văn hóa; xây dựng văn hóa môi trường. Hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa.

Các giải pháp cụ thể có ý nghĩa đột phá để phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là: hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý; bảo đảm tự do, dân chủ; đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để văn hóa thực sự là động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.