Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ có Thiên đô chiếu - tức Chiếu dời đô - quyết định đưa kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La, đặt tên kinh đô muôn đời con cháu được hưởng hồng phúc dân tộc là Thăng Long, công khai nói giữa trời đất và bàn dân thiên hạ về khát vọng lấy kinh đô mới làm biểu tượng cho sự trường tồn và vượng khí quốc gia.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, dù từng có lần đổi tên và từng bị rơi vào cảnh “rêu phong chuyện cũ”, nhưng vượt lên trên tất thảy, Thăng Long vẫn luôn là nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, nơi chứng kiến những trận đánh quyết chiến chiến lược của quân dân Đại Việt làm thất bại mọi kẻ thù xâm lăng.
1. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngay trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hà Nội đã tiên phong làm nên cơn đại hồng thủy, cuốn phăng đi ách thống trị thực dân, phát xít, khích lệ tinh thần cách mạng của đồng bào ta trong cả nước vùng lên giành quyền sống. Ngày 2-9-1945, Hà Nội là nơi phát đi Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Năm đầu tiên ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội cũng chính là nơi gương mẫu, sáng tạo nên những sắc màu thiêng liêng của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, niềm tin son sắt, sự gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Nội là nơi quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ngay khi mới cùng Trung ương Đảng trở về tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khích lệ: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Những điều mộc mạc, chân thành và hàm chứa biết bao tình cảm, trách nhiệm của Bác Hồ dành cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô. Đây có thể coi là niềm tin chính trị vững chắc của người đứng đầu chế độ mới ở Việt Nam trao gửi cho Thủ đô và giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Hà Nội khi bước vào thời kỳ khai phá công cuộc kiến tạo chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta.
Thấm nhuần lời chỉ dạy của Bác Hồ, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội đã vững vàng là đầu não chính trị của đất nước, cùng lúc tiên phong, gương mẫu giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tháng 12-1972, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Thủ đô Hà Nội đã cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng chưa từng có trong thế kỷ XX, làm nức lòng đồng bào cả nước, tạo niềm tin cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới về một Việt Nam trung dũng kiên cường, khâm phục Thủ đô là biểu tượng cho phẩm giá và lương tri nhân loại.
2. Bước vào thời kỳ đổi mới, Thủ đô Hà Nội cũng chính là chiếc nôi của ý chí “tự cứu mình trước khi trời cứu”, mạnh bạo chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau gần 40 năm tiên phong trên đường đổi mới, ngày nay Thủ đô Hà Nội như được thay da đổi thịt, được nâng tầm trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học - tài chính, là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, là điểm tựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước tin tưởng, quyết đoán đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mang tầm tư duy thời đại; Thủ đô Hà Nội còn là nơi hội tụ lòng người trên lãnh thổ Việt Nam, là nơi giao lưu quốc tế giữa Việt Nam với thế giới.
Để có được cơ đồ và tầm vóc đáng nể phục và trân quý như trên, thực sự là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, sự chia sẻ và khích lệ của đồng bào cả nước, sự thiện cảm của bạn bè quốc tế; nhưng quan trọng nhất vẫn là sự phát huy nội lực của Thủ đô Hà Nội luôn bền bỉ, chủ động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, thực sự là thành quả phấn đấu không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử 78 năm sau khi giành độc lập.
Ngày nay, giữa bộn bề trăm công, nghìn việc, trước muôn vàn khó khăn, thách thức, Thủ đô Hà Nội tiếp tục vững vàng trên mọi trận tuyến, vừa bứt phá về kinh tế, vừa bồi đắp giá trị văn hóa riêng có, vừa xây dựng con người lịch thiệp, vừa giữ vững thành trì bất khả xâm phạm vì an ninh Tổ quốc, vừa là nơi giao lưu với bạn bè bốn phương. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của Thủ đô Hà Nội thời hiện đại là phải phát triển thành hình mẫu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng tầm là trái tim của cả nước, biểu tượng cho khát vọng dân tộc giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Muốn thực hiện thành công Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Thủ đô Hà Nội, đây là đòi hỏi tính Đảng cao nhất, quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhất, vì như Bác Hồ đã dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Tính Đảng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn Thủ đô, nhất là người đứng đầu cấp ủy chính là sự gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm theo nguyên tắc Đảng; đồng thời chính quyền các cấp và người dân cũng phải biết đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, thể hiện rõ và thực chất phương châm chính quyền kiến tạo, chính quyền phụng sự nhân dân.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp dựa vào nghị quyết Đảng, tuân thủ luật pháp, nhất là Luật Thủ đô mà đề ra quyết sách sát hợp với điều kiện cụ thể trên toàn thành phố, gắn với từng quận, huyện, thị xã. Tránh lối rập khuôn, máy móc, tránh kiểu “đồng phục” trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, tránh vì chỉ số tăng trưởng kinh tế mà bất chấp quy hoạch và môi trường sống, an sinh xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên toàn thành phố không đơn thuần là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực cầm quyền và tu rèn đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên giữ được cốt cách người cán bộ của nơi có số lượng đảng viên đông, tổ chức cơ sở Đảng nhiều vào loại bậc nhất, đặc biệt là chất lượng, thành phần đảng viên tiêu biểu cho cả nước. Đấy thực sự là nguồn lực chính trị không gì thay thế được. Quan trọng hơn là Thủ đô Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã được gia tăng đáng kể về diện tích, không gian văn hóa, số dân, là nơi giao lưu, thông thương, ươm mầm tương lai cho thế hệ trẻ, thể nghiệm ý tưởng sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ.
Quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô chính là rường cột cho dựng xây, phát triển lâu đài chế độ mới, là bệ đỡ cho khát vọng dân tộc. Mỗi người dân nơi đây, cho dù có nguồn cội từ bốn phương về sinh sống, lập nghiệp, làm việc trên địa bàn Thủ đô, hay là những người kiêu hãnh vốn là người Tràng An… thì họ đều là những nhân tố góp nên khối đại đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng vun đắp Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Đây là ba trụ cột, ba chân kiềng làm nên thế rồng bay của Thủ đô Hà Nội, trở thành động lực chính có tác dụng khích lệ đồng bào cả nước noi theo. Vinh dự, tự hào cho Thủ đô, bởi trên lý thuyết cũng như thực tiễn, Thủ đô đã và đang miệt mài như đàn ong hiến mật cho đời, góp công lớn làm cho đất nước ngày càng thêm xuân. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô giống như hình ảnh thu nhỏ của đất nước đang khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu. Dựa trên tiền đề lịch sử hàng ngàn năm, nhất là thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh, qua gần 40 năm đổi mới, những ai có tấm lòng yêu quý, tự hào với Thủ đô Hà Nội, đều có quyền kỳ vọng và có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, tâm huyết để Thủ đô ta mãi bay cao, bay xa, vươn tầm thời đại, làm rạng rỡ non sông nước Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.