(HNM) - Thêm một lần nữa, ngập lụt lại trở thành nỗi ám ảnh của người Hà Nội. Trận mưa lớn ngày 8-8 đã biến gần như cả Hà Nội thành một hồ nước lớn.
Đến sáng 9-8, nhiều người vẫn phải chật vật tìm đường đến công sở do nhiều tuyến đường, khu vực vẫn chìm sâu trong nước. Ở Bệnh viện 103, đến trưa 9-8, bệnh nhân và bác sĩ vẫn bì bõm cấp cứu nhau trong "biển nước"…
Không phủ nhận từ 5 năm trước, sau trận lụt lịch sử tháng 11-2008, như được cảnh tỉnh và Hà Nội đã triển khai khá nhiều giải pháp, dự án nhằm cải thiện năng lực thoát nước. Cuối tháng 6 vừa qua, sau cơn bão số 2 Hà Nội không xảy ra ngập, trả lời báo chí, lãnh đạo ngành thoát nước Hà Nội cho biết đã "sẵn sàng phương án thoát nước mùa mưa", nghe mà thật mừng. Thế nhưng giờ đây, chỉ một cơn mưa kéo dài, Hà Nội lại ngập.
Nhưng ngập có phải là lỗi của ngành thoát nước? Thực tế năng lực thoát nước của Hà Nội hiện nay ra sao? Đến khi nào thì người dân có thể yên tâm trước những trận mưa lớn?... Những câu hỏi ấy dường như chưa thể trả lời thỏa đáng.
Cuối năm ngoái, HĐND TP Hà Nội thông qua Quy hoạch thoát nước Thủ đô với tổng kinh phí dự trù khoảng 117 nghìn tỷ đồng. Nhưng đó là cho tới năm 2030. Còn hiện tại, sau trận mưa ngày 8-8 thì chắc người ta đã có thể hình dung ra được năng lực thoát nước của Hà Nội ra sao. Và thực tế là dù có đổ vào hàng trăm tỷ đồng thì chắc chắn sẽ vẫn còn ngập trong nhiều năm tới. Vấn đề chính ở chỗ dù chúng ta có chủ động trong việc đầu tư hạ tầng thoát nước, nhưng lại bị động trong việc "quản lý nguồn nước" thì mơ ước "thoát ngập" sẽ khó thành hiện thực.
Có một thực tế là Hà Nội đang trong một tốc độ xây dựng chóng mặt, thế nhưng hầu hết các công trình xây dựng rất ít quan tâm đến giải pháp thoát nước, thậm chí họ còn làm hỏng hệ thống tiêu thoát chung. Cả thành phố là một đại công trường, từ nội thành ra đến ngoại ô, và chính cái công trường ấy đang là nguyên nhân lớn nhất làm tắc nghẽn các dòng chảy, làm tê liệt khả năng tiêu úng. Hơn chục năm trước, cả Hà Nội có trên 40 hồ với tổng diện tích trên 850ha, nhưng khi địa giới được mở rộng hơn, các công trình mọc lên, dân số đông hơn thì số lượng hồ lại bị giảm mạnh, hiện chỉ còn 19 hồ với tổng diện tích trên 600ha.
Để giải quyết bài toán thoát ngập cho Hà Nội, ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, đã đến lúc Hà Nội phải quyết liệt ngay từ khâu quy hoạch, tuyệt đối không phê duyệt các dự án làm ảnh hưởng đến diện tích và khả năng tiêu thoát của sông hồ. Trong phát triển đô thị, xây dựng công trình bắt buộc phải có cam kết trách nhiệm tham gia xử lý tiêu thoát nước. Giống như người đi xe máy thì phải đóng góp phí đường, cần thiết nên cân nhắc việc bắt buộc các chủ đầu tư công trình xây dựng phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc đầu tư hệ thống thoát nước, cần quy định bắt buộc về cốt nền xây dựng, bắt buộc tăng diện tích mặt nước tại các khu đô thị, nhất là các khu đô thị mới có diện tích lớn bắt buộc phải có hồ để điều hòa xử lý lượng nước mưa. Trong quá trình thi công các công trình nói chung phải có sự giám sát chặt chẽ, quy trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm việc xâm hại đến hệ thống thoát nước công cộng hoặc không tuân thủ các quy định về thoát nước. Có như vậy mới hy vọng, bằng không dù có đầu tư cả nghìn tỷ đồng thì trong nhiều năm tới Hà Nội cũng chưa thể thoát cảnh ngập úng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.