Góc nhìn

Để thị trường tài chính phát triển lành mạnh

Đoàn Nam 10/12/2023 - 06:29

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 24-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, từ ngày 1-12-2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là các ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra còn có các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính, như: Trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, internet, xổ số, đặt cược…

Quy định về hạn mức giao dịch phải báo cáo không phải là quy định mới. Trước đó, theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, mức giao dịch phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là từ 300 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện quy định trên, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều biến đổi, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần. Vì vậy, việc nâng hạn mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân.

Các chuyên gia cho rằng, những giao dịch lớn phải báo cáo là phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Việc yêu cầu báo cáo với giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan nhà nước kiểm soát những dấu hiệu đột biến, bất thường, qua đó sớm ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Để thị trường tài chính phát triển bền vững, lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bao gồm quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xử lý những giao dịch “đáng ngờ”, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để liên thông thông tin, ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Ngoài ra, cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch có giá trị lớn như bất động sản, du thuyền, máy bay, ô tô, kim loại quý… đều phải thông qua ngân hàng. Vì trên thực tế, tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao, sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu, nhằm hợp pháp nguồn tiền thu được từ hoạt động phạm tội. Ở các nước phát triển, quy định này đã được áp dụng từ lâu, trong khi Việt Nam chưa được ban hành chính thức. Quy định này có nhiều tác động tích cực, bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán và người mua cũng như giúp cơ quan quản lý kiểm soát dòng tiền, kịp thời phát hiện dòng tiền phạm pháp.

Muốn làm được việc này cần phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm tra, giám sát tốt nhất các giao dịch trong nền kinh tế. Từ đó, giúp cho việc công khai, minh bạch các khoản thu nhập dễ dàng hơn. Song song đó, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với sự phát triển công nghệ số…

Một vấn đề đặt ra là số tiền có thể được chia nhỏ mỗi lần chuyển tiền để “lách luật”. Giải pháp hữu hiệu là thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ngân hàng có thể phát hiện những giao dịch “đáng ngờ”, cho dù nhỏ hơn 400 triệu đồng, ví dụ như phát hiện tiền đó là từ nguồn thu của các dịch vụ bị pháp luật cấm, chuyển nhiều lần cho một tài khoản, trong một thời gian ngắn... Vấn đề cuối cùng là sau khi được các ngân hàng phát hiện, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý ngay để giúp minh bạch, lành mạnh nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường tài chính phát triển lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.