Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thị trường giữ đà phát triển

Gia Khánh| 21/01/2021 06:08

(HNM) - Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, cũng như có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh. Do đó, mỗi diễn biến trên thị trường bất động sản luôn thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý, giới đầu tư và những người có nhu cầu sở hữu nhà ở.

Thực tế năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song thị trường bất động sản vẫn có sự phát triển, đặc biệt là từ quý III-2020 đến nay. Trong đó, bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” nhờ tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Lợi thế này được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2021 khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm địa điểm sản xuất - cung ứng an toàn. Hơn thế, sự phát triển của nền kinh tế nói chung, nhu cầu lớn về nhà ở nói riêng và niềm tin của giới đầu tư vào khả năng kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh cũng như đà phục hồi sản xuất, kinh doanh trong năm 2021 là trợ lực quan trọng cho thị trường bất động sản. Trong dài hạn, tỷ lệ đô thị hóa và mặt bằng giá nhà ở tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực cũng cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này. 

Dù vẫn còn những tồn tại, như sự lệch pha cung - cầu (nhu cầu nhà ở giá thấp lớn trong khi nguồn cung hạn chế); giá nhà ở có nơi, có thời điểm tăng bất hợp lý; bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19…, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục giữ đà phát triển trong năm 2021.

Tất nhiên để bảo đảm sự phát triển đúng hướng và bền vững cho thị trường bất động sản, cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nhằm tăng nguồn cung cho thị trường; đặc biệt là các cơ chế, chính sách khắc phục bất cập của thị trường, sự lệch pha cung - cầu về nhà ở giá rẻ. Các chính sách này cần được ban hành sớm và đồng bộ với giải pháp nguồn vốn lãi suất phù hợp hỗ trợ người mua nhà. Về nguồn vốn, ngoài tín dụng ngân hàng, cũng cần đa dạng hóa các cơ chế tài chính (chẳng hạn như quỹ tiết kiệm nhà ở) để bổ sung nguồn lực đầu tư.

Tuy được đánh giá là phát triển đúng hướng, song thị trường bất động sản vẫn cần được theo dõi chặt chẽ, bởi thị trường này liên thông và tác động đến nhiều lĩnh vực (sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, ngân hàng, lao động…), nhất là ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Nếu siết chặt, thị trường có thể rơi vào trầm lắng, thậm chí “đóng băng”, nhưng nếu nới lỏng quá mức có thể dẫn đến đầu tư ồ ạt, tràn lan, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Với sự điều chỉnh nhanh nhạy theo diễn biến của dịch Covid-19, trước mắt, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc có triển vọng, được nhà đầu tư quan tâm. Do đó, các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, điều kiện hạ tầng cùng với sự thông thoáng về thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển khu, cụm công nghiệp phải đồng bộ về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú trọng giữ gìn môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đây mới là định hướng phát triển bền vững và lâu dài.

Hơn ai hết, các nhà đầu tư nhanh nhạy nhất với tín hiệu của thị trường. Khi có thêm sự hỗ trợ về chính sách từ cơ quan quản lý, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ giữ đà phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường giữ đà phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.