Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tham nhũng không còn "đất" phát triển…

Bình Nguyên| 16/03/2016 06:27

(HNM) - Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 15-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, so với thời điểm tổng kết 5 năm, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn đã có bước tiến quan trọng cả về nhận thức và hành động.

Cụ thể là: Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng so với trước đó; vai trò của các cơ quan dân cử, báo chí, nhân dân… trong phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Tuy nhiên, kết quả phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và kỳ vọng của người dân.

Thực tế, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Khó khăn, phức tạp là bởi tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực; tính chất, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn; đặc biệt, đã xuất hiện tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực… Đồng thời, các văn bản pháp luật có tính chất tạo "hành lang" cho nhiệm vụ hết sức quan trọng này vừa thiếu vừa chồng chéo. Mặt hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố cũng là thực trạng chung của cả nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh, một trong bốn nguy cơ - đấy là tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Bởi vậy, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng càng là một nhiệm vụ quan trọng: Hiệu quả của công tác này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của thành phố nói riêng mà còn góp phần quan trọng vào thành công của quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm (2015 - 2020) được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI thông qua là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó, đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và việc "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Để tham nhũng không còn "đất" phát triển, tiến tới đẩy lùi "nguy cơ" này đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung, thực tế đặt ra những đòi hỏi về giải pháp, hướng đi cụ thể. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc những yêu cầu, nhiệm vụ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra, đó là: Cùng với chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát, bộ máy hành chính phải siết chặt kỷ cương, minh bạch hóa thủ tục hành chính công, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông với tinh thần phòng ngừa tham nhũng là phương hướng chính.

Tham nhũng suy cho cùng là do lòng tham của con người, đặc biệt là những người ở vị trí có cơ hội để tham nhũng, những cán bộ ở vị trí có cơ hội để "hành" người dân, doanh nghiệp. Lòng tham chỉ không có cơ hội nảy sinh khi những kẽ hở trong cơ chế, luật pháp bị ngăn chặn mà cải cách hành chính, minh bạch hóa thủ tục, hoạt động của các cơ quan công quyền là giải pháp hiệu quả. Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đề nghị công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, quy trình, bộ phận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính từ thành phố xuống cơ sở. Trên thực tế, xây dựng một nền hành chính phục vụ là mục tiêu lớn đặt ra trong dự thảo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 với tiêu chí minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ. Song song quá trình này, cần tiến hành luân chuyển, điều chuyển cán bộ ở những vị trí có thể xảy ra tiêu cực như trong lĩnh vực thuế, hải quan, địa chính, thanh tra xây dựng… và xem đây là giải pháp thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng các cấp, cần phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, tổ chức đoàn thể và nhân dân. Cuối cùng, để nâng cao ý thức thực thi công vụ ở mỗi cán bộ, công chức, công tác tuyên truyền, giáo dục có vai trò hết sức quan trọng và mang ý nghĩa lâu dài.

Những bất cập đối với công tác phòng, chống tham nhũng mà tựu trung lại đều liên quan đến hai vấn đề căn cốt - cơ chế và con người - với phương hướng và những giải pháp cụ thể chắc chắn sẽ từng bước được hóa giải. Khi ấy, chắc chắn tham nhũng sẽ không còn "đất" phát triển mà từng bước bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tham nhũng không còn "đất" phát triển…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.