(HNMCT) - Với những biện pháp quyết liệt nhưng linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể mỗi nơi, dịch Covid-19 dù vẫn diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Nhịp sống kinh tế - xã hội đang dần phục hồi tích cực.
Theo nhận định của Chính phủ, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, nước ta đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19; các hoạt động kinh tế - xã hội cũng đang dần phục hồi và phát triển trở lại, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng từng bước phục hồi và gia tăng nhanh trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kéo dài 9 ngày dự báo nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều người dân sẽ trở về quê sum vầy đón Tết hay tận dụng cơ hội đi du lịch, du xuân khi nhiều điểm đến an toàn mở cửa trở lại sau thời gian “cửa đóng, then cài” để chống dịch. Và bên cạnh nỗi lo bảo đảm an toàn dịch bệnh, không thể không nhắc tới tới một vấn đề năm nào cũng "nóng” là an toàn giao thông.
Ngày 13-12-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 1725/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân 2022.
Một trong những nội dung rất đáng quan tâm là tuyên truyền, phổ biến để người dân thực hiện là “đã uống rượu bia - không lái xe”; không phóng nhanh vượt ẩu, không chở quá số người quy định;… Công điện cũng yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Và để hạn chế tối đa tai nạn giao thông, mỗi người dân phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định, đặc biệt là về hành vi sử dụng đồ uống có cồn rồi điều khiển phương tiện hay phóng nhanh, vượt ẩu, tụ tập đua xe…
Trên thực tế, để ngăn ngừa, giảm tai nạn giao thông do rượu bia, ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tăng mức xử phạt tối đa và thời hạn tước giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Với mức phạt rất cao cùng sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc của các cơ quan chức năng, Nghị định 100/NĐ-CP đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong ý thức tham gia giao thông, khiến các “đệ tử lưu linh” phải dè chừng hơn.
Mặc dù vậy, hiện tượng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thông tin về các “ma men” bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vẫn xuất hiện đều đều trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có trường hợp mất kiểm soát năng lực hành vi, bất hợp tác, chống đối người thi hành công vụ. Càng gần Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí, tụ họp liên hoan... được dự đoán có thể sẽ nhiều hơn, dù đã có khuyến cáo nên hạn chế để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bởi thế, nguy cơ mất an toàn giao thông do sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông cũng có thể gia tăng.
Để bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội, cần bắt đầu từ nhận thức, hành động của mỗi cá nhân. Tết có bình an, sum vầy hay không phụ thuộc trước hết vào hành vi của mỗi chúng ta. Nếu mỗi người đều có ý thức tự giữ mình, đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu để rồi “nhanh một giây, chậm cả đời” thì mọi chuyện sẽ khác.
Muốn có cái Tết sum vầy, bình an, trước hết cần tiết chế hành vi bản thân. Đó cũng là thể hiện hành vi ứng xử văn hóa, đúng mực với cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.