Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để rau không còn phải gắn chữ "an toàn"…

Trung Hưng| 09/05/2016 06:50

(HNM) - Trong bối cảnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng đáng báo động, mấy năm trở lại đây, có những


"Khái niệm" được chuộng dùng, tuy vậy "thực phẩm an toàn" nói chung, "rau an toàn" nói riêng chưa "lên ngôi" trên thực tế. Những thông tin, số liệu sau rất đáng để suy ngẫm, đấy là: Mỗi năm, Hà Nội sản xuất được 600.000 tấn rau an toàn (RAT) nhưng tỷ lệ vào siêu thị chỉ chiếm khoảng 1,5%; cửa hàng bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể...) chiếm 1,8%. Còn lại (phần lớn), các thương lái thu gom đem đi tiêu thụ chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh chiếm 26,8% và bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%.

Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong sản xuất - tiêu thụ thiếu chặt chẽ, chưa hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời, do giá trị bị đánh đồng với rau thường, trong khi quy trình sản xuất RAT phức tạp, chi phí cao nên nông dân không hào hứng. Và một trong những thông tin đáng chú ý là do không có niềm tin, không có cách nào phân biệt RAT với "rau bẩn" nên người tiêu dùng không mấy mặn mà. Tức là một trong những mục tiêu của sản xuất RAT - cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh, lành mạnh với sức khỏe người dân chưa đạt. Vướng mắc nằm ở tất cả các khâu, từ nhận thức đến sản xuất, chế biến (với nông dân, doanh nghiệp), tiêu thụ (với cơ quan quản lý, người tiêu dùng).

Thực tế, tìm giải pháp để RAT thực sự "lên ngôi" là quá trình nhiều khó khăn, chưa nói đến "hành trình" dài hơi hơn nữa là để rau không còn phải gắn mác an toàn, tức mọi mặt hàng nông sản là rau củ quả trên thị trường đều bảo đảm chất lượng, không còn phải "định tính" bằng những "khái niệm" riêng. Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất RAT cũng như có nhiều chương trình, đề án cụ thể, bước đầu mang lại hiệu quả.

Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay người trồng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Nên chăng, từ những cơ chế, chính sách có vai trò như "bà đỡ", từ những dự án, chương trình cụ thể có vai trò như mô hình điểm, mang tính "khởi động" do ngành nông nghiệp triển khai, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân cùng "ngồi" lại với nhau để thống nhất về nhận thức, có phương án chung để cùng thực hiện quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Tức là trước hết, cả người nông dân, hợp tác xã cũng như doanh nghiệp đều phải quyết tâm "trồng sạch", "canh tác sạch".

Đây cũng là hướng đi bền vững, lâu dài, duy nhất bởi cả về mặt pháp lý cũng như các vấn đề đạo đức, sức khỏe… cho thấy "sản xuất bẩn", "canh tác bẩn" sẽ không còn đất sống. Thứ hai, chưa bàn đến giá cả - yếu tố được quyết định bởi thị trường - đầu ra của RAT cần được bảo đảm theo hướng: Chấm dứt sự nhập nhằng, đánh lận giữa RAT, rau sạch với "rau không an toàn", "rau bẩn". Ở đây, ngoài sự tham gia của chính người sản xuất, tiêu thụ, rất cần đến vai trò giám sát của cơ quan chức năng, từ chính quyền địa phương đến lực lượng chuyên ngành. Nếu chấm dứt được sự nhập nhằng, đánh lận, tất yếu đầu ra của RAT được bảo đảm khi người tiêu dùng có niềm tin đối với sản phẩm. Trước mắt, cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm mọi hành vi, hình thức vi phạm ở lĩnh vực này ở mức cao nhất (theo luật mới) nhằm tăng tính răn đe.

Sản xuất nông nghiệp nói chung, RAT nói riêng, nhất là trong điều kiện khoa học - kỹ thuật còn lạc hậu, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa bao giờ là lĩnh vực hấp dẫn. Tuy nhiên, vì bất cứ nguyên nhân gì thì cả cộng đồng đều phải đồng thuận rằng không thể đánh đổi "sản xuất bẩn", "nông sản bẩn", trong đó có "rau bẩn", với sức khỏe cộng đồng và chính bản thân cũng như tương lai giống nòi. Sự đồng thuận ấy tất yếu tạo động lực tìm ra những hướng đi, giải pháp cụ thể để "RAT" được "lên ngôi" trên thực tế, để người dân khi đề cập chuyện thực phẩm, chuyện rau, củ quả, chuyện bữa ăn… không còn phải gắn với chữ "an toàn" do tuyệt đại đa số sản phẩm đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để rau không còn phải gắn chữ "an toàn"…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.