Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để phát triển kinh tế tập thể: Nâng cao năng lực nội tại

Ngọc Quỳnh| 24/09/2018 06:42

(HNM) - Hiện nay, phát triển kinh tế tập thể còn yếu kém do quy mô nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp, trình độ năng lực của cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu năng động trong tổ chức điều hành sản xuất - kinh doanh...

Đóng gói quả sạch tại Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Nhỏ lẻ, hiệu quả thấp

Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.737 hợp tác xã và 9 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 1.639 hợp tác xã đã thực hiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (đạt 94%). Tổng doanh thu của các hợp tác xã đạt hơn 4,79 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khoảng 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế tập thể đối với phát triển kinh tế của thành phố chưa thực sự rõ nét, doanh thu của hợp tác xã còn thấp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đóng góp vào GDP hằng năm của thành phố.

Về những khó khăn trong hoạt động của hợp tác xã, bà Tô Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn Phúc Thịnh (huyện Đông Anh) cho biết, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật từ năm 2016, nhưng thực sự vẫn không có sự thay đổi. Đến nay, hợp tác xã không có trụ sở làm việc, phải làm việc nhờ nhà văn hóa thôn nên không có giá trị tài sản. Đây là yếu tố vướng mắc khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh; việc huy động vốn từ thành viên hạn chế; "đầu ra" cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, lợi nhuận không cao...

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Trung Thành, hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa đồng bộ, chưa sát với thực tiễn về ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế, thủ tục đất đai... Công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của hợp tác xã hạn chế, ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến bất cập trong thực hiện chính sách thuế và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Ngoài ra, bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã chậm được củng cố; cán bộ quản lý, theo dõi kinh tế tập thể, hợp tác xã ở các sở, ngành, quận, huyện phần lớn đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chưa được đào tạo bồi dưỡng kiến thức cơ bản về hợp tác xã...

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng băn khoăn: Toàn huyện Đông Anh có 83 hợp tác xã, các đơn vị này hoạt động còn khó khăn do chưa có sự thay đổi căn bản về chất; đội ngũ quản lý, phương án sản xuất kinh doanh, bố trí nguồn lực phát triển hợp tác xã nông nghiệp đều yếu kém. Các hợp tác xã phi nông nghiệp vẫn giữ thói quen bán hàng truyền thống, chưa chú trọng khâu thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì... nên khả năng cạnh tranh kém, tốc độ tăng trưởng chậm.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2019. Theo đó, năm 2019, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực hợp tác xã đạt 6,5-7%/năm. Các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất tăng lên từ 10 đến 20%; hợp tác xã nông nghiệp tăng 2-3%/năm; mỗi năm phát triển, thành lập mới 20-30 hợp tác xã trở lên; dự kiến năm 2019, toàn thành phố có 1.772 hợp tác xã với tổng doanh thu hơn 4,9 tỷ đồng/hợp tác xã/năm; khuyến khích hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện được việc này, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, trước hết, cần nâng cao năng lực nội tại của các hợp tác xã; huy động và khai thác tốt hơn khả năng góp vốn, lao động và tham gia các hoạt động phát triển kinh tế của thành viên. Các sở, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, điển hình tiên tiến gắn với chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên hợp tác xã gắn với đào tạo nghề cho nông thôn theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho hợp tác xã.

Mặt khác, cần xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp. Về phía hợp tác xã, cần chú trọng làm kinh tế, năng động trong huy động nguồn vốn từ các thành viên; nhạy bén với thị trường để sản xuất những mặt hàng bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu đề nghị các ngành chức năng hướng dẫn thủ tục đất đai để các xã tạo mọi điều kiện cho hợp tác xã có mặt bằng làm trụ sở, sản xuất kinh doanh.

Đối với những hợp tác xã đang sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, cần lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hợp tác xã đủ điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng theo quy định. Về phía các ngân hàng, cần tạo điều kiện cho hợp tác xã vay vốn bằng tín chấp và hưởng lãi suất ưu đãi để mở rộng ngành nghề dịch vụ, phát triển sản xuất...

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các sở, ngành, các hợp tác xã cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, liên kết với nhau thành lập liên hiệp hợp tác xã, tạo lực đủ mạnh về nguồn vốn, mở rộng đa ngành nghề, nâng cao thu nhập cho các thành viên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để phát triển kinh tế tập thể: Nâng cao năng lực nội tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.