Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nước mắt của đời sống làm mực viết

Vân Hạ| 01/05/2022 06:38

(HNMCT) - Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên ở Bạc Liêu, vì vậy chiến tranh đến với chị qua những câu chuyện kể. Chỉ thế, nhưng những mất mát, đau thương còn đó của chiến tranh đã in hằn vào thơ chị: “Mỗi bàn chân tôi đặt trên đất nước/ đang đặt lên bao nhiêu thân thể lạnh khói hương trong lòng đất?”.

Nguyễn Phan Quế Mai có nhiều thi phẩm về chiến tranh, như “Đồng Lộc", “Là Việt”, “Quảng Trị”, “Hai nẻo trời và đất”, “Viết ở miền Nam”, “Thời gian trắng”, “Với một cựu binh Mỹ”, “Bức tường chiến tranh Việt Nam”... Đặc biệt, khi tình hình biển đảo căng thẳng vào năm 2011, chị viết “Tổ quốc gọi tên”: “Tổ quốc của tôi! Tổ quốc của tôi/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”. Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc và bài hát đã nhận được nhiều giải thưởng. Âm nhạc giúp thơ Nguyễn Phan Quế Mai “cất cánh”, được nhiều người biết đến hơn.

Nhưng âm hưởng "Tổ quốc gọi tên mình” có lẽ đã xuất hiện từ trong những tập thơ trước của Nguyễn Phan Quế Mai (“Bí mật của hoa sen”, “Cởi gió”, “Những ngôi sao hình quang gánh”) bằng hình ảnh thơ gần gũi, chân thành: “Quê nội vạt ngô dậy thì con gái”, “Từng hạt gạo thơm, như lời ru của bà”, “Đình làng cong/ Hoa xoan thì tím/ Hoàng hôn xuống lả cánh cò”, “Chảy về cánh đồng lúa chín/ Rặng tre nghiêng chiều/ Bến nước nghiêng trăng”... Tập thơ “Cởi gió” của chị đã nhận được lời nhận xét từ Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010: “Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc”. Tạp chí thơ quốc tế Poetry International Review đã đăng bài viết giới thiệu tập thơ “Bí mật của hoa sen” có đoạn: “Ý thơ của Nguyễn Phan Quế Mai đa dạng và bao trùm, nhưng không bao giờ xa đất nước và gia đình cô... Đọc toàn bộ tập thơ, người ta không thể không cảm thấy mỗi bài thơ được viết vào cảnh quan Việt Nam qua trí tưởng tượng của nhà thơ. Những bài thơ không chỉ được tạc vào cảnh quan đó, mà được chạm khắc một cách rất tinh tế, để bảo tồn vẻ đẹp của một đất nước mà những vết thương chiến tranh không thể khuất phục được nó”.

Tiếp tục đề tài chiến tranh nhưng không phải ở thể loại thơ sở trường, cũng không được viết bởi tiếng mẹ đẻ, gần đây, Nguyễn Phan Quế Mai cho ra mắt tiểu thuyết bằng tiếng Anh “The Mountains Sing”. Tác phẩm đã được nhận 6 giải thưởng quốc tế và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới. Sắp tới, tác giả sẽ ra mắt bản tiếng Việt. “Những ngọn núi ngân vang”, “Núi hát”, hay thậm chí là “Sơn ca” đều là những cái tên tạm dịch mà độc giả dành cho “The Mountains Sing”, còn tác giả hiện vẫn đang bỏ ngỏ tên tiếng Việt của tiểu thuyết. Chỉ biết rằng, dù là ngọn núi hay chú chim sơn ca thì đó đều là những hình ảnh được khắc họa từ đầu chí cuối trong tiểu thuyết. Ở đó, người bà đã nói với cháu rằng, những thử thách mà đất nước Việt Nam đã trải qua còn cao hơn cả những ngọn núi cao nhất, mà chỉ khi bước lùi ra xa cháu mới có thể thấy được toàn cảnh.

Lùi ra xa để thấy được toàn cảnh, bước chậm rãi để lắng nghe tiếng đời vẫn chảy trôi, đi sâu vào cuộc sống để nước mắt của đời sống làm mực viết cho bạn, và không bỏ cuộc, đó là cách mà Nguyễn Phan Quế Mai đã sống, đã viết. Với chị, đời sống còn quá nhiều câu chuyện cần được lắng nghe và kể lại. Nguyễn Phan Quế Mai đã “du ca qua những vùng sa mạc đời người khô cát sỏi”, như chị đã tâm sự trong cuốn du ký “Hạt muối rong chơi”.

Cùng với “Hạt muối rong chơi”, Nguyễn Phan Quế Mai còn có tập du ký “Từ tuyết đến mặt trời”, các tập truyện thiếu nhi “Mun chơi, chạy đi” (viết cùng con gái Mai Clara), “Những ngôi sao trên bầu trời thành phố”. Ngoài ra, chị còn có một số tác phẩm dịch như “Hành trình tới biển sông”, “Cánh đồng người”, “Sau mưa thôi nã đạn”, “Ký ức mắt đen”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nước mắt của đời sống làm mực viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.