(HNM) - Những năm gần đây, vào dịp Tết Trung thu, bánh trung thu handmade (tự làm) được nhiều người lựa chọn. Một phần, do các loại bánh này có mẫu mã đẹp, phong phú; mặt khác do người làm quảng cáo (và người tiêu dùng tin tưởng) bánh không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu làm bánh bảo đảm an toàn thực phẩm...
Theo trào lưu phát triển chung của mạng xã hội, bánh trung thu handmade ngày càng "lên ngôi" với sự trợ giúp của kênh bán hàng Facebook, Zalo...
Thế nhưng có một thực tế là hầu hết bánh trung thu handmade, dù được mua bán khá sôi động song lại chưa được quản lý chặt chẽ về chất lượng. Người mua tin tưởng người bán là chính (thậm chí không ít người mua theo trào lưu, qua bạn bè) mà không ai biết nguyên liệu sản xuất bánh có được người bán "tự làm" hay mua trôi nổi trên thị trường? Liệu quy trình sản xuất thủ công có bảo đảm không lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh (như nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn,...)? Chưa kể, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, khả năng cơ sở sản xuất mua cả bánh làm sẵn trôi nổi trên thị trường rồi đóng gói, gắn nhãn mác handmade bán kiếm lời cũng có thể xảy ra.
Thực tế, cơ quan quản lý cũng thừa nhận rất khó kiểm soát bánh trung thu handmade do cách sản xuất nhỏ, lẻ chủ yếu trong gia đình; mua bán trên mạng xã hội là chính. Và qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh nguyên liệu làm bánh trung thu không rõ nguồn gốc. Nhiều bánh trung thu handmade được bán trên thị trường hiện nay đều không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng…
Tất nhiên, không phải cơ sở bánh trung thu handmade nào cũng như vậy, song rõ ràng đây là vấn đề mà cơ quan chức năng và người tiêu dùng cần lưu tâm. Trong khi thị trường nói chung vẫn còn những sản phẩm nhập nhèm về chất lượng thì việc tăng cường vai trò quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng là rất quan trọng.
Hiện tại, thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với bánh trung thu. Song bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng phải chủ động tăng cường quản lý, kiểm tra trên địa bàn; đồng thời các lực lượng như quản lý thị trường, công an... tăng cường giám sát việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu để làm bánh trung thu, cũng như bánh trung thu trên thị trường… Chỉ khi có sự quản lý đồng bộ ở các khâu, hành vi nhập lậu bánh và nguyên liệu làm bánh không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng an toàn thực phẩm mới được ngăn chặn kịp thời. Đi đôi với xử lý nghiêm, cần công khai danh tính các cơ sở vi phạm để người tiêu dùng biết và phòng, tránh.
Đối với cơ sở sản xuất bánh handmade, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn quy định, đã là sản phẩm kinh doanh thì phải đăng ký với cơ quan quản lý và phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Người làm phải có ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất, cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Về phía người tiêu dùng, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thận trọng với những thông tin khuyến mãi trên mạng xã hội. Cách tốt nhất là nên chọn mua sản phẩm tại những cơ sở có thương hiệu, uy tín, tuân thủ điều kiện an toàn thực phẩm và đơn vị bán hàng chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm. Mặt khác, mỗi người tiêu dùng cần có thái độ tẩy chay hàng kém chất lượng và hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi biết các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm...
Dù là bánh sản xuất theo quy trình nào cũng phải tuân thủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Do đó, đòi hỏi về việc kiểm soát chất lượng là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Chỉ khi làm tốt việc này thì niềm vui của mỗi gia đình trong dịp Tết Trung thu mới được vẹn tròn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.