(HNM) - Ngày 16-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục chương trình làm việc với nội dung thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Buổi làm việc được tổ chức trực tuyến đến 63 Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.
Ý kiến của các ĐBQH cho rằng, mục đích xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải thể hiện được vai trò của HĐND các cấp, bảo đảm sự thống nhất, điều hành từ trên xuống, bảo đảm việc phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đẩy mạnh vấn đề trao quyền tự quản cho chính quyền địa phương, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố liên quan đến con người. Dự thảo luật cũng cần làm rõ sự khác biệt trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị, hải đảo; làm rõ mô hình chính quyền mới ở khu hành chính - kinh tế đặc biệt…, từ đó lựa chọn phương án cụ thể, phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) |
Các ĐBQH cũng cho ý kiến về việc tăng cường số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, tăng cường quyền lực của HĐND, hiệu quả hoạt động của UBND. Các ý kiến thảo luận cũng đề nghị xây dựng luật theo hướng làm rõ yếu tố "cơ cấu tổ chức" và quy định "hoạt động" của cơ quan, cấp chính quyền địa phương, bao gồm những vấn đề liên quan như thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ, nhân sự. Các đại biểu cũng đề nghị đặt Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong tương quan với các bộ luật liên quan để xây dựng hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời không làm tăng biên chế khiến bộ máy cồng kềnh…
Một vấn đề quan trọng được đa số các đại biểu quan tâm là việc duy trì cơ quan HĐND tại cấp cơ sở. Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành việc giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, nghĩa là duy trì thiết chế HĐND và UBND từ cấp xã, phường. Bởi thực tế, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã thời gian qua chưa thuyết phục được đại biểu về tính khả thi. Mặt khác, việc duy trì HĐND các cấp thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.