Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để môi trường mạng lành mạnh hơn

Nhóm phóng viên| 19/06/2021 06:32

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT (ngày 17-6-2021) về việc ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng mạng xã hội, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các cán bộ, công chức, viên chức, người dân Thủ đô đều thể hiện sự đồng tình với những nội dung quy định tại bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa ban hành.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết

Những năm qua, mạng xã hội đã và đang trở thành phương tiện truyền thông chủ lực, công cụ chính được tổ chức Đoàn sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục và thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh, thiếu nhi. Bám sát các nội dung trong bộ quy tắc này, thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả của mạng xã hội, như: Đa dạng hóa các nội dung được truyền tải trên các fanpage, Facebook của tổ chức Đoàn, Hội, Đội cấp thành phố; kết nối hiệu quả với fanpage của 110 cơ sở Đoàn trực thuộc để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp… Đồng thời, tiếp tục duy trì Zalo nhóm của Thành đoàn Hà Nội, thiết lập cơ chế thông tin, tuyên truyền phù hợp và kịp thời trước, trong và sau các sự kiện, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.

Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội sẽ nghiên cứu, ứng dụng mạng xã hội khác, như: Youtube, Tiktok… trong công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Ba Đình Đoàn Thị Ngọc Lan:
Sẽ hướng dẫn người khuyết tật sử dụng mạng xã hội an toàn

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa ban hành có nhấn mạnh đến các quy định bảo vệ "người yếu thế" trên mạng xã hội. Tôi cho rằng đây là nội dung rất nhân văn, phù hợp xu thế, qua đó hỗ trợ và bảo vệ những người thuộc diện nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên và người khuyết tật.

Thông qua bộ quy tắc này, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến từng hội viên Hội Người khuyết tật quận để nhắc nhở họ sử dụng mạng xã hội một cách an toàn nhất. Đặc biệt, cảnh báo người khuyết tật để tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội. Khi có biểu hiện bị tấn công, mất an toàn thì phải thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Chủ tịch UBND xã Vân Côn, huyện Hoài Đức Hoàng Văn Tuấn:
Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai bộ quy tắc

Để triển khai các quy định tại bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, UBND xã Vân Côn sẽ xây dựng kế hoạch phổ biến 3 quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; 4 quy tắc dành cho cơ quan nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin nội dung bộ quy tắc đến các thôn, xóm để người dân nắm bắt thông tin, những việc cần làm và những điều cấm kỵ khi sử dụng, phát ngôn trên mạng xã hội.

UBND xã sẽ lưu ý người dùng mạng xã hội, đặc biệt là cán bộ, công chức nếu chia sẻ thông tin thì cần tìm hiểu nguồn chính thống, đáng tin cậy, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Đồng thời, tuyệt đối không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.

Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm Nguyễn Đăng Cường:
Quy định kịp thời, phù hợp

Hiện nay, có nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận các khiếu nại của người dân, từ đó xử lý kịp thời nhiều vụ việc nóng, phức tạp. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều địa phương đã kêu gọi được sự ủng hộ của người dân để đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân sử dụng mạng xã hội tùy tiện, phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây nhiễu loạn trên môi trường mạng. Theo tôi, việc ban hành bộ quy tắc trong thời điểm này là rất kịp thời, phù hợp.

Tới đây, UBND phường Tây Mỗ sẽ thông báo đến các cán bộ, công chức, viên chức của phường cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố để người dân trên địa bàn nắm bắt, nghiêm chỉnh thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, công nhân Công ty TNHH Xây dựng Đông Anh, xã Kim Chung, huyện Đông Anh:
Yên tâm hơn khi giao tiếp trên môi trường mạng

Vừa qua có một số thông tin “nóng” về việc quyên góp và sử dụng tiền huy động từ thiện xã hội của một số nghệ sĩ, tôi cũng tham gia bình luận trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều bình luận ác ý, thiếu văn hóa và có biểu hiện lệch lạc về suy nghĩ, đạo đức, trong đó có cả ý kiến, bình luận của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Việc ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó quy định rất kỹ về những điều nên và không nên làm khi tham gia trên môi trường mạng, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội không thu thập, cung cấp thông tin cá nhân của người sử dụng giúp tôi yên tâm hơn khi giao tiếp trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để môi trường mạng lành mạnh hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.