(HNM) - Tuy bị ảnh hưởng ít nhiều bởi lạm phát, năm nay việc chăm lo để người nghèo có Tết đã được triển khai sớm, giá trị vật chất lớn hơn, cách làm thiết thực, bài bản hơn.
Trên phạm vi cả nước, ngoài việc tăng chuyến bay, chuyến tàu và các tuyến xe về địa phương, kiên quyết không để một người nào vì không có tàu xe mà không về được nhà trước giao thừa, Bộ GT-VT đã chỉ đạo ngành dọc phối hợp với các địa phương, đoàn thể xã hội triển khai rộng rãi việc giảm giá vé, tặng vé cho người nghèo, nhất là đối tượng công nhân, sinh viên nghèo. Theo thông tin mới nhất, cả nước đã có 30.000 vé tàu hỏa, ô tô được tặng và hàng chục nghìn vé giảm giá dành cho các đối tượng nghèo. Hàng chục vạn túi quà, suất tiền mừng Tết cũng đã được Nhà nước, các đoàn thể xã hội, những nhà hảo tâm khắp cả nước và kiều bào nước ngoài đưa đến tận tay bà con. (Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi ngân sách để tặng quà Tết cho các gia đình thuộc diện chính sách với hai mức 400.000 đồng và 200.000 đồng, các chiến sĩ lực lượng vũ trang biên giới, hải đảo; vùng đặc biệt khó khăn; những người nghèo). Có thể nói chưa năm nào các chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền đất nước ở Trường Sa, các hải đảo, vùng biên giới xa xôi lại được hưởng cái Tết đầy đủ, phong phú cả về vật chất và tinh thần như năm nay.
Đối với Hà Nội, trên 30 tỷ đồng đã được chi để hỗ trợ 21.000 người nghèo của thành phố có điều kiện vui Tết. Ngoài gần 500 tỷ đồng bình ổn giá, thành phố còn tổ chức hàng trăm điểm bán hàng giảm giá, nhiều chuyến hàng về nông thôn trong chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các hội chợ khuyến mãi hàng Tết hướng về người nghèo. Dịp Tết Nhâm Thìn này, nhiều hoạt động tinh thần như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, bắn pháo hoa cũng được đưa về ngoại thành, tiếp cận với vùng sâu, vùng xa của thành phố. Đối với các hộ đặc biệt khó khăn, người lang thang cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, thành phố cũng đã có kế hoạch với từng quận, huyện để không ai bị đói, không có nhà cửa, không được vui Tết.
Những thành công đó là rất lớn nhưng chưa thể làm ta hài lòng. Từ ngày mở rộng, tuy là thành phố lớn của cả nước, mức thu nhập bình quân hằng năm tính theo đầu người đạt mức 1.100 USD nhưng Hà Nội cũng còn nhiều vùng sâu, vùng xa; vùng có đồng bào dân tộc, mức sống trung bình ngang bằng với những vùng khó khăn nhất của cả nước. Hà Nội cũng là nơi có gần nửa triệu người lao động ngoại tỉnh không hộ khẩu, xa nhà, hàng triệu sinh viên, công nhân, viên chức người tỉnh xa. Lo đầy đủ Tết cho những đối tượng này từ ăn ở, đi lại, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ là rất khó khăn. Chăm lo Tết cho người nghèo cũng không chỉ dừng ở đó. Tết an sinh, Tết phấn khởi và đầy đủ còn cần cả an toàn cháy nổ, an toàn giao thông, trật tự xã hội và nhiều yêu cầu khác. Nó đòi hỏi sự đóng góp tích cực của mọi cấp chính quyền, đoàn thể và của tất cả mọi người dân sống trên thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.