Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để lạm phát diễn tiến trong tầm kiểm soát

Đoàn Nam| 14/07/2022 06:01

(HNM) - Báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, dấu hiệu tăng tốc của lạm phát khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2022 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, lạm phát cơ bản tháng 6-2022 cũng tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất kể từ tháng 9-2020 trở lại đây.

Tính tổng thể, CPI 6 tháng đầu năm vẫn ở mức 2,44%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng lớn vì các nguyên nhân như: Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu (chiếm tỷ lệ 37% tổng chi phí). Đặc biệt, nguyên, vật liệu đầu vào tăng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát.

Bên cạnh đó, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, khi giá xăng, dầu trong nước tăng 10%, lạm phát tăng 0,36%. Mặc dù ngày 11-7, giá xăng, dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhưng tác động tích cực đến toàn nền kinh tế thì cần có thời gian, nhất là khi xu hướng tăng hay giảm tiếp theo còn phụ thuộc vào giá xăng, dầu thế giới…

Ngoài ra, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang lan tỏa vào mọi lĩnh vực sẽ làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, cũng là áp lực lớn lên lạm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng ở mức 3,3-3,9% và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nếu chúng ta nhận diện đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi có nhiều yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát, trong đó tình hình dịch bệnh, xung đột trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như thời gian qua.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp nước ta thời gian qua có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến… Yếu tố nữa là chúng ta luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Để lạm phát tiếp tục diễn tiến trong tầm kiểm soát, các chuyên gia cho rằng cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu...

Ngoài ra, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng. Mặt khác, cần làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Trong nhóm giải pháp cụ thể hơn, kiểm soát giá xăng, dầu được coi là đặc biệt quan trọng bởi giá mặt hàng này tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả chung. Do đó, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế đối với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lạm phát diễn tiến trong tầm kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.