(HNM) - Ngày khai giảng năm học 2019-2020 đã cận kề. Thời điểm này, dù mang tính cá biệt, vẫn có không ít gia đình, các bậc phụ huynh lại thở dài khi nghĩ đến các khoản phải chi cho con em mình: Học phí, tiền đồng phục, sách giáo khoa, học cụ, nhất là những “khoản chi ngoài” không có trong quy định, cũng không theo dự liệu… Khoản thu theo quy định phải đóng đã đành, dù không ít hộ phải xoay xỏa, nhưng “khoản chi ngoài”, dẫu có thở dài thì rồi “vì tương lai con em chúng ta”, các bậc phụ huynh đa phần vẫn phải chậc lưỡi.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội là một trong số các địa phương đã chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả tình trạng lạm thu đầu năm học. Quan điểm chỉ đạo của thành phố thể hiện một cách nhất quán qua nhiều văn bản mà khi đi vào cuộc sống, đã chứng minh rõ tính hiệu lực, đó là: Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, ngày 22-11-2013, ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND, ngày 23-1-2018, quy định chấm dứt việc thu các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm trang thiết bị của nhà trường…
Trước thềm mỗi năm học mới, thành phố tiếp tục ban hành các văn bản liên quan vấn đề này như: Văn bản số 3464/UBND-KGVX, ngày 30-7-2018, về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo năm học 2018-2019; Văn bản số 1772/UBND-KGVX về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm học 2019-2020…
Quan điểm chỉ đạo này, cùng sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục đã khiến lạm thu chỉ còn mang tính hiện tượng đơn lẻ và đều được xử lý nghiêm.
Dù vậy, để không còn bậc phụ huynh nào phải thở dài mỗi đầu năm học mới, nhất là bởi các “khoản thu ngoài”, rõ ràng vẫn còn nhiều việc cần làm.
Trước hết, việc UBND thành phố Hà Nội quy định 7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu là rất cụ thể, chặt chẽ. Trách nhiệm còn lại thuộc về cơ quan quản lý. Chính việc rà soát, kiểm tra thường xuyên sẽ giúp cơ quan quản lý giáo dục phát hiện những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Đây là cơ sở để cơ quan chức năng ngăn chặn bất cứ hiện tượng “lách”, “chui” quy định tại các văn bản pháp quy và có tính chỉ đạo của ngành, của thành phố, từ đó biến tướng thành các “khoản thu ngoài” theo những hình thức, tên gọi khác.
Thứ hai, trong khi trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường (nếu để xảy ra lạm thu) đã rõ thì việc thấu hiểu, chia sẻ giữa nhà trường với gia đình học sinh rất quan trọng. Điều cần nói thêm ở đây là trong những năm qua, dù chất lượng sống và điều kiện kinh tế liên tục được nâng lên thì không ít gia đình, ngay trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn khó khăn. Và vì vậy, với nhiều gia đình, “khoản thu ngoài” cũng là một gánh nặng.
Thứ ba, quyền “nói không” với lạm thu nằm ở chính các bậc phụ huynh. Vậy mà đôi khi vì ngại, vì giữ ý, nhất là khi ban phụ huynh đứng ra làm đại diện vận động, nhiều người vẫn đồng ý.
Khi “nói không” với khoản thu bất hợp lý, chính các bậc phụ huynh đã góp phần đồng hành với thành phố, cơ quan chức năng cùng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, và cũng để bản thân bớt đi một nỗi lo toan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.