Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không còn ”quả đắng”

Hà Anh| 06/01/2013 06:26

(HNM) - 1. Cuối năm là mùa làm hàng Tết, nhu cầu tiêu thụ đường để sản xuất bánh mứt kẹo, nước giải khát thường tăng mạnh. Thế nhưng, thông tin trên báo chí lại cho thấy, 3 tháng cuối năm 2012 ngành mía đường nước nhà  đang "sống dở chết dở". Nhiều nhà máy đường hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi đã phải đóng cửa.

Một trong những nguyên nhân gây thất bát cho ngành mía đường, bên cạnh hàng tồn kho cao, giá giảm, nhu cầu tiêu thụ thấp… còn do bị đường nhập lậu lấn lướt. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới với Campuchia và Lào mỗi năm lên đến 300.000 - 400.000 tấn, chiếm 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Giá đường nhập lậu thấp hơn trong nước khoảng 2.000 đồng/kg do trốn thuế, gây thất thu ngân sách vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Để cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước không còn cách nào khác là phải giảm giá xuống mức hòa vốn, thậm chí bán lỗ. Và như lãnh đạo một doanh nghiệp bức xúc than thở: "Đường nhập lậu tràn về quá nhiều, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ưu tiên sử dụng đường nhập, bỏ rơi đường nội"! Không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tình trạng đường nhập lậu tràn lan còn khiến người trồng mía điêu đứng. Nông dân nhiều địa phương vùng nguyên liệu mía Đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ mía, chuyển sang trồng lúa, hoa màu…

Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia kinh tế, chặng đường phía trước đối với ngành mía đường còn đầy rẫy khó khăn. Nhiều khả năng giá đường tiêu thụ nội địa thời gian tới sẽ tiếp tục giảm sâu. Ngoài lý do giá đường thế giới có xu hướng giảm do thặng dư đường tăng cao trên toàn cầu, đường lậu tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam… còn có nguyên nhân quan trọng từ việc sản lượng đường trong nước niên vụ 2012-2013 sẽ vượt xa so với nhu cầu, ước tính có thể thừa tới trên 400.000 tấn.

2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng bi đát của ngành sản xuất đường, trước hết do công tác quản lý xuất nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại còn yếu kém. Mặt khác, còn phải kể đến "lỗ hổng" ở khâu kiểm soát hàng hóa lưu thông: Đường là nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm - khách hàng chủ chốt của ngành sản xuất đường, vậy thì dù đường nhập lậu có tràn ngập chăng nữa, các công ty sản xuất thực phẩm cũng không thể dễ dàng mua về nếu không có hóa đơn đầu vào?

Tuy nhiên, có thể thấy "quả đắng" của ngành đường không phải là chuyện mới và không phải bây giờ  mới bộc lộ. Thực tế là lâu nay, gần như năm nào ngành mía đường cũng kêu khó khăn, cũng thông báo thua lỗ! Rõ ràng, công tác quy hoạch ngành chưa tốt, không tuân thủ định hướng chung đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Tình trạng phần lớn nhà máy đường ở nước ta đều sử dụng thiết bị rẻ tiền, công nghệ lạc hậu của nước ngoài là minh chứng rõ nhất cho điều này. Hơn nữa, dư luận cũng cho rằng, mía đường là ngành công nghiệp được Nhà nước bảo hộ, song liệu nông dân trồng mía - đối tượng được xác định là mục tiêu hưởng lợi từ chính sách đó có thực sự được hưởng lợi hay không? Lợi ích do sự bảo hộ mang lại có được chia sẻ công bằng giữa nhà sản xuất, những người trồng mía và cả người tiêu dùng? Và chính sách bảo hộ liệu thực sự có tác dụng thúc đẩy ngành công nghiệp mía đường nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hay chỉ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho một nhóm lợi ích, để năm nào cũng vậy, các doanh nghiệp ngành này cứ đến hẹn lại… ca "điệp khúc thua lỗ"?

Bởi vậy, dư luận cũng nhận định rằng, chừng nào các cơ quan quản lý cũng như  bản thân ngành đường thỏa mãn  những thắc mắc trên thì sẽ chấm dứt được những nghịch lý bấy lâu tồn tại trong sản xuất kinh doanh của ngành này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn ”quả đắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.