(HNM) - “Thi vào lớp 10 bây giờ căng thẳng hơn thi đại học! Nếu không vào được trường nào thì chúng biết làm gì khi trong tay không có tấm bằng tốt nghiệp THPT...?” Không ít phụ huynh đã thốt lên như vậy khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đang đến gần. Quả đúng như vậy!
Nếu học sinh (HS) lo một thì phụ huynh lo mười vì “cân não” chọn trường phù hợp với con mình.
Sở dĩ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT căng thẳng là vì các yếu tố như: Phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh; học sinh phải đăng ký theo khu vực và vào lớp 10 THPT có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế cho thấy, sau khi tốt nghiệp THPT, HS có nhiều lựa chọn hơn khi có thể học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi làm… Thế nhưng, nếu không thi đỗ vào lớp 10 THPT, dù HS vẫn có lựa chọn khác nhưng chặng đường học hành sẽ chông gai hơn.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018, Hà Nội dự kiến có gần 83.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 là 69.500; trong đó chỉ tiêu vào các trường công lập là 56.840. Dù chỉ tiêu đã tăng gần 4.000 so với năm ngoái, nhưng nhìn tổng thể vẫn chỉ có khoảng 70% HS có cơ hội được học trong các trường THPT công lập.
Để mỗi HS không bị bỏ lỡ cơ hội học tập, năm học này Hà Nội vẫn kiên trì chủ trương đa dạng hóa các loại hình học tập. Tuy nhiên thực tế cho thấy, phụ huynh nào cũng muốn con mình đủ điểm vào lớp 10 THPT công lập. Bởi công bằng mà nói, cơ bản các trường THPT công lập có cơ sở vật chất và chất lượng dạy tốt, học phí không nhiều; trong khi những trường dân lập tốt thì có mức học phí cao, không phù hợp thu nhập của phần lớn các gia đình. Những trường dân lập còn lại và các trung tâm giáo dục thường xuyên có chất lượng dạy không bằng trường công lập.
Từ nhiều năm nay, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được Bộ GD-ĐT “giao khoán” cho các địa phương nhằm tăng tính chủ động theo tình hình thực tế, nhu cầu cũng như năng lực của HS. Thế nhưng, mỗi địa phương một phương án, đặc biệt với việc xuất hiện ngày càng nhiều địa phương đổi mới thi tuyển sinh theo cách làm bài thi tổng hợp, khiến phụ huynh và HS không khỏi lo lắng về chất lượng điểm số, sự công bằng cho HS. Đây là vấn đề nên được cân nhắc bởi không ít ý kiến cho rằng, cần tiến tới một kỳ thi tuyển sinh THPT trên toàn quốc, với quy định thống nhất về môn thi, “chuyên nghiệp hóa” như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Để giúp HS và phụ huynh có tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới, việc thực hiện tốt công tác tư vấn phân luồng HS, thông tin đầy đủ để HS lựa chọn trường phù hợp với năng lực là cần thiết. Bên cạnh đó, cần giúp phụ huynh và HS nhìn nhận đúng vị trí của giáo dục nghề nghiệp; thấy được lợi ích của việc học nghề, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, các em có công việc sớm và ổn định. Mặt khác, hiện nay việc liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học rất thuận lợi nên sau khi học nghề, nếu các em có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục học lên bậc cao hơn. Đây cũng là hướng đi để giảm tải cho kỳ thi tuyển sinh THPT cũng như áp lực cho HS.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, ngành GD-ĐT cần sớm có giải pháp tổng thể để giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 THPT cho cả HS, nhà trường và các gia đình, như xây thêm trường THPT công lập; nâng cao chất lượng hệ thống các trường dân lập, thu hẹp khoảng cách với trường công lập để HS đều được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.