Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không bị ''nhiễu tư tưởng''

Trường Huy| 30/01/2023 06:25

(HNM) - Những ngày qua, lợi dụng việc Đảng ta cho thôi chức nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, không ít trang web, tài khoản mạng xã hội đã bình luận, vu cáo đó là cuộc thanh trừng nội bộ. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn, giúp đề cao cảnh giác để không bị “nhiễu tư tưởng”, mắc mưu thế lực thù địch, xây dựng niềm tin vào Đảng là vấn đề rất thời sự.

Lâu nay, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam để tuyên truyền, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Một trong những mũi nhọn mà chúng tập trung để hướng lái dư luận đó là vin vào việc làm sai của cán bộ các cấp. Từ năm 2018 trở về trước, chúng phê phán Đảng ta chống tham nhũng, tiêu cực “hình thức”. Tuy nhiên, từ sau khi nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” hoặc ra hầu tòa thì chúng lại vu cáo đó là thanh trừng nội bộ.

Có thể kể đến những trang Youtube thường xuyên nói về vấn đề này, như: Thoibao.de, Aback, Nguyễn Văn Đài, tiếng nói Hoa Kỳ...; các trang web tiếng Việt máy chủ đặt ở nước ngoài như: Luatkhoatapchi.org; BBC, VOA, RFI, RFA... Thủ đoạn của chúng là đưa, bình luận thông tin chưa được kiểm chứng hoặc kết quả xử lý các vụ việc... Từ đó chúng sử dụng kỹ xảo dựng phim, đưa ra những hình ảnh cắt ghép không có thật; câu từ, tít gây sốc tạo hiệu ứng tò mò.

Đặc biệt, để kích thích người dùng internet, chúng lợi dụng các thuật toán của nhà cung cấp dịch vụ để thông tin tự động đưa đến các thiết bị của người dùng nếu đã từng truy cập. Mục tiêu cuối cùng là gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến nhận thức của nhiều người, làm giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó đáng lo ngại nhất là tác động vào tư tưởng của giới trẻ.

Như chúng ta đã biết, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tế cho thấy, trong nhiều văn kiện của Đảng luôn có những đánh giá chính xác về thói hư tật xấu của cán bộ cũng như tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy. Hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kết luận về công tác xây dựng Đảng, trong đó tập trung đưa ra giải pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đi liền với những văn bản này, để thực hiện chủ trương “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, để cán bộ “không dám” rồi tiến tới “không thể” và “không muốn” tham nhũng, Đảng ta đã bổ sung, hoàn thiện, ban hành nhiều quy định. Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Ngày 25-10-2021, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TƯ “Quy định về những điều đảng viên không được làm”. Ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Quy định số 41-QĐ/TƯ “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Tiếp đó, ngày 8-9-2022, Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TƯ “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Hiện nay, những quy định này đang phát huy hiệu quả và là cơ sở để thanh lọc, ngăn ngừa những cán bộ để chủ nghĩa cá nhân lấn át tinh thần dấn thân, cống hiến.

Trên thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng rất mạnh mẽ, quyết liệt. Trong năm 2022, toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của pháp luật. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật  47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2021). Từ đầu khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với một số đồng chí...

Chống tham nhũng, tiêu cực là khó khăn vì “động chạm” đến đồng chí, đồng đội. Lường trước điều đó, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, không ai thích thú gì làm việc này, thậm chí là đau xót, nhưng vì dân, vì nước, vì uy tín, danh dự của Đảng mà phải làm; cắt bỏ một vài cành sâu mọt để cứu cả cây xanh. Đã làm là phải nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai.

Thế nên, để việc này hiệu quả hơn nữa thì cần có công tác tuyên truyền tích cực, động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể tố cáo các việc làm sai trái, vi phạm nguyên tắc, chống độc quyền, lạm quyền để vụ lợi của những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Mọi cán bộ, đảng viên cần theo sát các thông tin chính thống, không truy cập, tin, nghe theo sự phân tích, định hướng của các thế lực thù địch.

Muốn chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp vào cuộc của các ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Thế nên, mỗi người cần xác định rõ tư tưởng, đặt niềm tin chính trị vào hành động, việc làm của các cơ quan này dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3-1-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đây chính là định hướng để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng vào thành công của việc làm trong sạch nội bộ mà Đảng ta đang quyết liệt thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không bị ''nhiễu tư tưởng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.