(HNM) - Thời gian gần đây, trừ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tại hầu hết các siêu thị ở Hà Nội không còn cảnh mua sắm náo nhiệt, tấp nập như thường thấy. Thu nhập giảm là lý do khiến thói quen tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi...
Đây được xem là những thay đổi lớn trong bức tranh tổng thể về sức tiêu dùng của người dân Hà Nội hiện nay. Một cách cụ thể hơn, theo thống kê của cơ quan chức năng thì trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội của TP Hà Nội đạt 7,2%, trong đó bán lẻ tăng 7,1% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt 4,73 tỷ USD, nhưng mức nhập siêu lên tới 11,676 tỷ USD, cao hơn bình quân chung cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn nhập siêu cao, xuất khẩu chưa đạt yêu cầu thì thị trường tiêu dùng nội địa là điểm tựa để các doanh nghiệp nước ta vươn lên. Đây cũng là thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn so với thị trường nước ngoài. Để đạt tốc độ tăng trưởng của thành phố, giải pháp chính được đưa ra là khuyến khích sức mua và có giải pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Thực tế cho thấy, muốn kích cầu tiêu dùng nội địa, rất cần tập trung vào hai vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, trước tác động của suy thoái kinh tế, việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu mong muốn tìm hướng khai thác thị trường nội địa là đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chưa biết tiếp cận thị trường nội địa từ đâu và như thế nào. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thậm chí có thể hỗ trợ sản xuất bằng cách giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giúp tăng tổng cầu như giãn và giảm thuế VAT để kích thích mua sắm.
Bên cạnh chính sách thúc đẩy sản xuất thì chiếm lĩnh thị trường nội địa là một chiến lược quan trọng kích thích phát triển kinh tế. Vì thế, cần phải có những chính sách cụ thể về việc kích cầu thị trường nội địa. Doanh nghiệp chỉ khi nhìn thấy các biện pháp thiết kế thị trường ở tầm vĩ mô, thì qua đó mới có thể xác định rõ cơ hội, lợi nhuận, từ đó tập trung quan tâm khai thác thị trường nội địa.
Vấn đề thứ hai, muốn kích cầu tiêu dùng nội địa về bản chất là đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt Nam do trong nước sản xuất. Hiện nay, lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội còn nhiều tiềm năng để phát triển, song cần làm tốt các lĩnh vực về quản lý và phát triển thương hiệu, phát triển mạng lưới bán lẻ, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trên thực tế, thời gian qua, việc bán hàng chỉ tập trung ở thị trường nội thành mà ít chú trọng ở khu vực ngoại thành. Rõ ràng, với hơn 80% dân số tập trung ở ngoại thành, đây sẽ là thị trường giàu tiềm năng nếu biết cách khai thác hiệu quả.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, muốn chiếm lĩnh được thị trường thì phải đổi mẫu mã, thiết kế và giá cả hợp lý. Khi các mặt hàng bảo đảm chất lượng, hợp túi tiền, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, “hữu xạ tự nhiên hương”, tự khắc thị trường tiêu dùng trong nước sẽ kích cầu và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.