Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội trở thành điểm đến của âm nhạc thế giới

An Định| 06/11/2022 20:29

(HNMCT) - Việc tổ chức thành công những sự kiện âm nhạc lớn, những đại nhạc hội có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc tại Thủ đô. Tuy nhiên, để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến của âm nhạc khu vực và thế giới thì còn rất nhiều việc phải làm.

Nhiều vấn đề trong phát triển âm nhạc đã được thảo luận sôi nổi tại chuỗi chương trình bàn tròn "LiveSpace PRO".

Cơ hội rút ngắn khoảng cách

"Làm thế nào để thu hút các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam?", đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại chuỗi hoạt động bàn tròn, gặp gỡ chuyên môn và phát triển mạng lưới, có sự tham gia của các chuyên gia hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam và quốc tế, mang tên "LiveSpace PRO" - diễn ra từ ngày 24 đến 26-10 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ LiveSpace Vietnam - Dự án âm nhạc dành cho các nghệ sĩ trẻ tài năng do Viện Pháp tại Hà Nội khởi xướng.

Theo ông Võ Đức Anh, một thành viên sáng lập Hanoi Rock City, nền âm nhạc của Việt Nam đang đi chậm hơn 50 năm so với âm nhạc thế giới. Và, một trong những cách nhanh nhất để rút ngắn khoảng cách này là tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, qua đó mang đến cho người xem, nghệ sĩ cơ hội được thưởng thức, tiếp cận trực tiếp và hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới.

“Khi các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, họ mang đến trải nghiệm âm nhạc mới và cả cách làm việc giúp các nghệ sĩ trẻ trong nước có cảm hứng để thử nghiệm mọi thứ. Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay luôn có sẵn tâm thế “tôi có thể thử mọi thứ”, và chính điều đó mang đến cho người nghe nhận thức khác về sự đa dạng của âm nhạc” - ông Võ Đức Anh chia sẻ.

Bà Hằng Nguyễn, quản lý dự án tại Công ty Thanh Việt Production và Monsoon Music Festival, đơn vị giàu kinh nghiệm trong việc mời các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, cũng cho rằng: "Các nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới mang đến tác động tích cực với âm nhạc Việt Nam, mang lại cảm hứng cho các nghệ sĩ. Tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế sẽ giúp các nghệ sĩ trong nước tiệm cận với trình độ phát triển của âm nhạc thế giới. Theo đó, mô hình lễ hội âm nhạc sẽ là nơi để các nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu xu hướng âm nhạc mới, tạo thói quen nghe nhạc mới cho khán giả. Chúng tôi đang cố gắng kết nối với những lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới, hằng năm tham gia các chương trình biểu diễn, trao đổi nghệ sĩ. Ví dụ năm 2017, chúng tôi giới thiệu ca sĩ Hà Trần (dự án Bản nguyên) và nhóm nhạc Da LAB tới sự kiện âm nhạc quốc tế Mu: CON (Hàn Quốc) tham gia trình diễn tại showcase, với tư cách là nhóm nhạc đại diện cho Việt Nam được giới thiệu bởi Monsoon Music Festival”.

Cần có những mạng lưới

Tuy nhiên, việc mời các ban nhạc nổi tiếng, các nghệ sĩ đại diện cho các xu hướng âm nhạc mới đến Việt Nam là điều không dễ dàng. Ông Võ Đức Anh chia sẻ thêm: “Nhìn chung, khá khó khăn khi mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam. Lý do thì có nhiều, chẳng hạn như chúng ta không có đủ điều kiện về kinh phí, địa điểm, cơ sở vật chất tốt nhất để mời những ban nhạc mới nổi. Và, người xem dường như chưa có nhu cầu thưởng thức những tác phẩm mới, họ thích những ban nhạc mà mình đã biết, những bài hát đã thuộc”. Đó là lý do vì sao có nhiều ban nhạc nổi tiếng quốc tế chỉ đến Việt Nam khi đã đi qua thời kỳ đỉnh cao.

Cụ thể hơn, bà Tia Lieu, đại diện Hot Panda Media cho rằng: Có rất nhiều thách thức trong câu chuyện này, về sự hiểu biết, khả năng kết nối nghệ sĩ, kinh phí... Chẳng hạn, muốn mời một ban nhạc nổi tiếng sang biểu diễn, chúng ta cần những điểm diễn có sức chứa 1.500 người, cần những đơn vị chuyên nghiệp trong tổ chức tour lưu diễn, nguồn nhân lực hỗ trợ đông đảo, và quan trọng nhất là cần có đủ kinh phí. Không thể mời những ban nhạc lớn nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ.

Hiện nay, chỉ riêng ở Hà Nội đã có khá nhiều đơn vị tổ chức sản xuất chương trình âm nhạc, tuy nhiên, đa số là hoạt động độc lập, chưa có sự gắn kết. Giải pháp mà các chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất là phải tạo lập được một mạng lưới để từ đó tạo ra một nguồn lực lớn hơn. Bà Hằng Nguyễn đề xuất: “Phải làm nhiều việc thì mới có thể tạo ra một mạng lưới, nền tảng kết nối các cơ quan với nhau, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, nhờ đó mà chúng ta có thể xuất khẩu âm nhạc Việt Nam và theo đuổi những dòng âm nhạc mới. Mạng lưới này tạo ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ". Chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, cần có nền tảng giúp họ quảng bá, trình diễn tác phẩm và mở rộng diện tiếp cận với khán giả.

“Những điều tốt có thể đến từ việc tạo ra mạng lưới giữa các địa điểm văn hóa nghệ thuật, các đơn vị tổ chức và nghệ sĩ. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai gần sẽ tổ chức được nhiều chương trình hơn với các ban nhạc trong nước và nước ngoài, ở các địa điểm khác nhau” - mong muốn của ông Võ Đức Anh cũng là mong muốn chung của những nhà tổ chức, nghệ sĩ và khán giả âm nhạc hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội trở thành điểm đến của âm nhạc thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.