Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội ngày càng đẹp hơn

Đình Hiệp| 30/03/2017 06:18

(HNM) - Trong một thông báo mới đây trên trang web chính thức, Hội đồng TP Paris (Pháp) cho biết, trong tháng 3-2017 cơ quan này bắt đầu nghiên cứu để lên kế hoạch cắt giảm diện tích biển quảng cáo ngoài trời ở nội đô thủ đô Paris.

Sở dĩ Hội đồng TP Paris có sự khắt khe với biển QCNT là dựa trên cơ sở lập luận: Thời đại công nghệ kỹ thuật số, quảng cáo trên internet ngày một chiếm ưu thế, nhu cầu tiếp nhận thông tin từ các biển QCNT của người dân ít đi. Vì thế, đến lúc phải trả đô thị trở về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đây cũng là xu hướng chung được nhiều quốc gia áp dụng để những đô thị xanh-sạch-đẹp sẽ không còn xuất hiện những tấm biển quảng cáo cỡ lớn, lộn xộn, được ví như “rác trời” trong con mắt du khách.

Câu chuyện của Paris có lẽ cũng rất thiết thực với các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, khi mà tình trạng vi phạm QCNT gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự, an toàn giao thông cũng như văn minh đô thị. Một trong những nguyên nhân khiến các vi phạm về QCNT gia tăng là do chưa có quy hoạch tổng thể, đồng bộ dù Luật Quảng cáo đã có hiệu lực từ năm 2013.

Không thể phủ nhận QCNT mang lại lợi ích kinh tế cho cả nhãn hiệu được quảng cáo, đơn vị quảng cáo, người cho thuê địa điểm quảng cáo, ngân sách nhà nước… Thế nhưng, một thành phố văn minh, hiện đại sẽ khó chấp nhận hình ảnh phản cảm từ những tấm biển quảng cáo che kín tòa nhà, lối đi... vừa gây mất mỹ quan, vừa không an toàn.

Để chấn chỉnh những vi phạm QCNT tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị, ngày 20-1-2016, UBND thành phố đã có Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động QCNT trên địa bàn TP Hà Nội. Những quy định này phù hợp với tình hình thực tế hơn; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sự kiện. Nhưng vì Hà Nội là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, nên cơ quan quản lý không thể đáp ứng tối đa nhu cầu quảng cáo của các tổ chức, cá nhân ngày càng lớn. Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo và các văn bản dưới luật mới chỉ mới phục vụ tốt cho công tác quản lý nói chung, trong khi Hà Nội có nhiều đặc thù, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn để hạn chế bất cập nảy sinh.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của thành phố đã và đang tích cực thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Để Hà Nội ngày càng sạch đẹp, văn minh thì việc tập trung xử lý hệ thống bảng QCNT, biển hiệu vi phạm, đưa hoạt động này vào nền nếp là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa lại các quy định về QCNT cũng như quy hoạch một cách tổng thể, đồng bộ để xử lý triệt để vấn nạn “rác trời” là trọng tâm ưu tiên với các địa phương, ban, ngành khi thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Chúng ta đã có quy hoạch về kiến trúc, quy hoạch độ thấp cao của nhà cao tầng, trồng cây gì, mật độ ra sao ở mỗi tuyến đường... Đây cũng là lý do mà các cơ quan chức năng của Hà Nội đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện “Quy hoạch QCNT trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác liên quan. Một quy hoạch vừa đủ điều chỉnh thực tiễn cho phù hợp, vừa để định hướng tương lai cho hoạt động QCNT - sẽ là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một Hà Nội đẹp hơn, văn minh hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội ngày càng đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.