(HNM) - Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố diễn ra tối qua (18-11) là năm thứ 20, Thủ đô Hà Nội tổ chức sự kiện này. Sau 20 năm, đã có 2.067 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của lãnh đạo thành phố đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời ghi nhận, biểu dương kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô. Nhiều thủ khoa được tuyên dương đã bước đầu có thành công trong sự nghiệp, có khát vọng cống hiến và đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước.
Đáng chú ý, trong số rất nhiều thủ khoa được vinh danh, số người hiện đang công tác tại các cơ quan của thành phố Hà Nội nói riêng cũng như lĩnh vực công nói chung rất khiêm tốn. Trong bối cảnh thành phố Hà Nội cũng như cả nước đang đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài, tài năng trẻ vào các cơ quan quản lý nhà nước với mong muốn nâng “chất” đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số thì đây là vấn đề cần được quan tâm, thậm chí có chiến lược dài hạn hơn.
Tại nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm đề xuất, hiến kế trong việc thu hút, sử dụng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, vấn đề chung được các đại biểu đề cập ngoài chuyện thu nhập thấp thì “điểm nghẽn” lớn nhất là khu vực công chưa tạo được môi trường làm việc tốt, chưa tạo cơ hội cho người trẻ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các thủ khoa xuất sắc đều có nhu cầu nộp hồ sơ vào các tổ chức, cơ quan tại Hà Nội, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, đặc biệt là các vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo và mục tiêu phát triển sự nghiệp cá nhân.
Thực tế, Luật Thủ đô năm 2012 và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô đã có những sự khác biệt so với quy trình tuyển dụng công chức thông thường nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn với nhóm đối tượng thủ khoa, tài năng trẻ ứng tuyển vào các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cần phải xác định rõ các nội dung về thủ tục, thời gian, cơ quan thực hiện… Mặt khác, cần rà soát lại những thủ khoa, tài năng trẻ đang làm việc trong lĩnh vực công trên địa bàn Hà Nội để đánh giá việc sử dụng hiệu quả hay chưa nhằm điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Với những thủ khoa, tài năng trẻ cũng cần xác định, việc vinh danh chỉ là cánh cửa ban đầu đến với thế giới rộng lớn. Những kiến thức tích lũy được từ việc học tập, nghiên cứu trên giảng đường đại học là vốn quý, nhưng kinh nghiệm thực tiễn, tư duy và sự cầu thị nâng tầm hiểu biết là điều hết sức quan trọng. Cho dù công tác ở môi trường nào: Doanh nghiệp, lĩnh vực công, nghiên cứu khoa học… thì bản thân mỗi cá nhân cần không ngừng rèn luyện để “ngọc càng mài càng sáng”.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn khẳng định sẽ mở rộng cửa để các thủ khoa, tài năng trẻ trên các lĩnh vực cống hiến, phát huy khả năng, đóng góp xây dựng Thủ đô. Ở góc độ nào đó, trong một thị trường lao động đã rất mở hiện nay, người trẻ tài năng hoàn toàn có quyền chọn nơi làm việc được trả công xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Vì thế, để “giữ chân” người tài cần thay đổi chính sách sử dụng, đãi ngộ… Đây là yêu cầu tất yếu, từ đó góp phần xây dựng hệ thống hành chính, lĩnh vực công đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.