(HNM) - Nếu như những năm trước, tiền mặt được chi trả chủ yếu trong các giao dịch thì khoảng 2 năm trở lại đây, giao dịch bằng điện thoại di động hay internet phát triển mạnh ở Việt Nam.
Dự báo, sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng công nghệ sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dùng, tự động hóa các dịch vụ, nhất là mảng tài chính tiêu dùng cá nhân, tạo nên cuộc đua cạnh tranh khốc liệt trong ngành.
Theo báo cáo về dịch vụ ngân hàng - hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam của IDG Việt Nam (một tổ chức đầu tư mạo hiểm, quản lý sự kiện, nghiên cứu và truyền thông kỹ thuật số có trụ sở ở nhiều nước trên thế giới), có đến hơn 80% người được khảo sát đã sử dụng các giải pháp ngân hàng, tăng mạnh so với 21% vào năm 2015. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này chính từ những tiện ích vượt trội mà công nghệ mang lại.
Khảo sát từ một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hay Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), 72% tổng giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trên ứng dụng di động hay internet banking, chỉ còn 28% giao dịch là thực hiện tại quầy.
Rõ ràng, bên cạnh việc phát triển kênh ứng dụng di động nhằm theo đuổi xu hướng tăng cường sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng, các ngân hàng cần chú trọng các kênh điện tử khác, trong đó có internet banking hay website.
Hiện, một số ngân hàng nước ngoài đã đưa website trở thành kênh bán hàng, tương tác trực tiếp, khuyến khích khách hàng truy cập nhiều hơn thay vì ra chi nhánh truyền thống. Tuy nhiên, yếu tố bảo mật là quan trọng nhất với khách hàng trong việc triển khai chiến lược phát triển ngân hàng số. Bởi vậy, cùng với việc phát triển thêm dịch vụ, ngân hàng cần đặc biệt chú trọng tới việc bảo mật tài khoản cho khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.