Đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba và mạng xã hội Tiktok cam kết hỗ trợ các hợp tác xã phía Nam và những doanh nghiệp nhỏ trong chuyển đổi số, tăng cường quảng bá, thu hút khách hàng.
Nhiều hiệu quả thiết thực
Đây là những nội dung vừa được các bên cam kết trong khuôn khổ các hoạt động của Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2023 – Vietnam Foodexpo 2023 đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 22 đến 25-11-2023). Kế hoạch này nhằm tiếp tục phát huy những kết quả khả quan đạt được sau những hỗ trợ thiết thực trong thời gian qua.
Công ty OSB là đối tác chiến lược của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam, với quá trình hợp tác hơn 14 năm qua, nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá, bán sản phẩm ra thế giới. Bà Trương Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ TMĐT khu vực phía Nam, Công ty OSB nhấn mạnh: “Với nền tảng Tiktok, một doanh nghiệp, một hộ kinh doanh cá thể với năng lực sản xuất là nhỏ lẻ, thậm chí là ở vùng sâu, vùng xa… nhưng vẫn có cơ hội đưa những câu chuyện, sản phẩm của mình đến với hàng triệu người xem, từ đó tăng cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.
Còn ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Điều hành Tiktok Việt Nam khẳng định “Tại nhiều địa phương phía Nam, chúng tôi đã hợp tác với các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trung tâm xúc tiến thương mại… để thực hiện mục tiêu giúp các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ có cơ hội quảng bá sản phẩm, dịch vụ ra thị trường rộng lớn hơn”.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, một điển hình của sự hợp tác trên là mục Chợ phiên OCOP trên Tiktok. Theo đó, chuyên gia từ mạng xã hội này đào tạo cho nhân sự tại các cơ sở có sản phẩm OCOP về kỹ năng quảng bá, bán hàng online. Sau đó, tổ chức các phiên livestream bán hàng, nhất là nông sản đó trên nền tảng. Sau 25 phiên, Tiktok đã đưa được 3.000 sản phẩm lên nền tảng. Hashtag #OCOP được sử dụng sau 6 tháng đã có hơn 10.000 video và thu hút 1 tỷ lượt view.
Hợp tác xã Xuân Định của tỉnh Đồng Nai là một đơn vị điển hình trong việc tận dụng sự hỗ trợ nêu trên để quảng bá và mở rộng thị trường cho các nông sản là trái cây tươi của mình. Chị Đặng Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết sau các lớp tập huấn, đơn vị đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và nhận được thêm nhiều đơn hàng từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang...
“Chúng tôi rất mừng, bởi nhận thấy trái cây của hợp tác xã được nhiều khách hàng trong nước chú ý. Như vậy, chúng tôi có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Việc cần làm bây giờ là làm sao để trái cây tươi đến tay khách hàng nhanh nhất, luôn tươi ngon. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia về vấn đề này”, chị Nga nói.
Nâng cao năng lực kinh doanh trên nền tảng số
Thông tin từ Alibaba cho biết, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông, thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng. Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
Cơ hội là rất lớn đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi Bộ Công Thương phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com, xây dựng và phát triển "Gian hàng quốc gia Việt Nam” - Vietnam Pavilion" trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Mục đích là để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tới khách hàng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số , Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, Cục sẽ kết hợp với Tiktok để tổ chức 15 khóa đào tạo, tập huấn về việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số dành cho đối tượng là doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.
Đây cũng là những nội dung mà Cục đã triển khai với các đối tác trong nước từ năm 2021 đến nay. Gần 40 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng về kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng livestream, đã được tổ chức dành cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước. Ông Nguyễn Thành Dương khẳng định: Các hoạt động hỗ trợ này sẽ tiếp tục được triển khai rộng khắp trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát các HTX cũng cho thấy còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh đào tạo, phổ cập thông tin về các hoạt động chuyển đổi số chính là hành động sống còn cho những HTX và các hộ kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.