(HNM) - Mặc dù rét đậm, rét hại diễn ra liên tiếp cùng với những khó khăn về nước, dịch hại..., song đến nay, Hà Nội đã hoàn thành gieo cấy vụ xuân kịp khung thời vụ.
Nông dân xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức kiểm tra lúa xuân. Ảnh: Đào Huyền |
Tập trung chăm sóc cây trồng
Tranh thủ những ngày nắng ấm, chị Bùi Thị Thảo ở thôn Cam Canh (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) đi thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh và mực nước tại những ruộng lúa mới cấy. Chị Thảo cho biết, vụ xuân năm nay gặp nhiều khó khăn, rét đậm, rét hại kéo dài khiến mạ sinh trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, nông dân đã được ngành Nông nghiệp hướng dẫn, che phủ ni lông nên mạ không bị ảnh hưởng nhiều.
Không riêng gia đình chị Thảo, đa số các hộ sản xuất tại huyện Ba Vì đã hoàn thành gieo cấy trước ngày 28-2. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, vụ xuân 2018, Ba Vì gieo cấy khoảng 6.500ha lúa, trong đó diện tích gieo sạ hơn 2.200ha. Thời gian gieo cấy chỉ bị gián đoạn do rét đậm, rét hại diễn ra trong vụ xuân khá dài và liên tiếp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, Ba Vì đã hoàn thành gieo cấy 100% vụ xuân trong khung thời vụ ngành Nông nghiệp đề ra.
Bên cạnh đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, vụ xuân Hà Nội còn gặp khó khăn về nguồn nước và tập quán cấy muộn của một số địa phương. Trong buổi kiểm tra thực tế sản xuất vụ xuân Hà Nội cuối năm 2017, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh đã nhấn mạnh: "So với các địa phương phía Bắc, Hà Nội gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Thời gian 3 đợt đổ ải đều kết thúc trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất và bị rút ngắn ngày, trong khi nhiều địa phương của Hà Nội có truyền thống cấy lúa xuân muộn. Nếu không chủ động các phương án trữ nước, thường xuyên thăm đồng ruộng để có phương án chỉ đạo sát sao thì sẽ ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng".
Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn công tác, kiểm tra thực tế đồng ruộng, đôn đốc nông dân tranh thủ điều kiện thuận lợi gieo trồng kịp khung thời vụ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Tính đến ngày 5-3 (khung thời vụ cuối cùng ngành Nông nghiệp đề ra trong vụ xuân), toàn thành phố đã cơ bản hoàn thành gieo trồng vụ xuân. Hiện, các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục vận hành công trình thủy lợi nhằm phục vụ tưới dưỡng đối với diện tích lúa đã cấy.
Những giải pháp "dài hơi"
Thực tế, qua nhiều năm theo dõi, có thể thấy, mực nước các triền sông phục vụ gieo trồng cho Hà Nội có chiều hướng ngày càng giảm, nhất là các tháng đầu vụ xuân, gây khó khăn cho việc lấy nước của các hệ thống công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục diễn ra trên diện rộng với nhiều hình thái khắc nghiệt hơn. Do vậy, để chủ động trong các vụ sản xuất sau, ngành Nông nghiệp đang tìm những giải pháp mang tính bền vững. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu đã được ngành Nông nghiệp đề ra. Đối với nguồn nước, Sở NN&PTNT kiến nghị thành phố và các công ty thủy lợi nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp cụ thể, phù hợp trong điều kiện nguồn nước các triền sông thiếu hụt. Ngoài ra, ngành tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức quản lý chặt chẽ trong hệ thống công trình thủy lợi, tuyệt đối không để rò rỉ, thất thoát nước...
Cùng những giải pháp về nguồn nước, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, thay đổi tư duy người sản xuất, hướng cho nông dân chủ động cập nhật khoa học và công nghệ; đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến. Trong đó, ưu tiên mở rộng cơ giới hóa đồng bộ ở vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ngành tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích sử dụng máy cấy, gieo thẳng ở những nơi chủ động nguồn tưới - tiêu...
Ngoài ra, theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020, sẽ giảm 20-25% diện tích trồng lúa chuyển sang nuôi trồng cây - con khác có hiệu quả cao hơn. Với diện tích lúa hay bị ngập úng chuyển sang nuôi trồng thủy sản tập trung, chủ yếu tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên... Mặt khác, ngành định hướng mở rộng vùng sản xuất chuyên canh trên cơ sở dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới, cơ giới hóa theo hình thức sản xuất tập trung, tạo vùng hàng hóa lớn gắn với liên kết “4 nhà” và chú trọng hơn nữa khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.