Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đạt hiệu quả cao nhất

Thiện Mỹ| 29/10/2020 06:19

(HNM) - Khác với câu chuyện của nhiều năm trước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội 10 tháng năm 2020 đã có những thay đổi tích cực. Đến nay, nhiều công trình quan trọng từ nguồn vốn đầu tư công đã được đưa vào sử dụng như nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, đường dưới thấp qua hồ Linh Đàm… Trên bình diện chung, 9 tháng năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn của thành phố đã tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Những cải thiện trên bắt nguồn từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Trong đó, Hà Nội xác định mục tiêu năm 2020 giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch nên các cấp, các ngành đã nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm. Tạo nên sự chuyển động này còn phải kể đến việc thành phố đã thành lập 6 tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời gỡ mọi vướng mắc ở từng dự án. Vì thế, một số dự án dù mới khởi công nhưng cũng xác định sẽ được giải ngân ở mức tối đa hoặc sẽ tăng tốc để hoàn thành ngay đầu năm sau.

Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án dù khối lượng đã hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục nên tiến độ giải ngân vẫn bị chậm. Nếu hóa giải được điều này thì chắc hẳn, con số giải ngân 9 tháng năm 2020 sẽ cao hơn, chứ không phải chỉ đạt 48,5% kế hoạch. Chạy đua với thời gian còn lại của năm, yêu cầu đặt ra cho các cấp, các ngành lúc này là phải nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt kết quả khả quan nhất.

Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những giải pháp đã đề ra tại phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố (tổ chức tháng 8-2020) về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Trong đó chú trọng phân loại từng dự án để có phương án triển khai thích hợp. Đặc biệt, những dự án có nhiều nút thắt trong giải phóng mặt bằng cần ưu tiên, tập trung giải pháp để đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu.

Thông thường, cuối năm là thời điểm các dự án sẽ tăng tốc thi công vì mọi thủ tục đã hoàn thiện. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, phải dồn lực cho việc hoàn thành khối lượng công việc. Còn ban quản lý các dự án cần bám sát thực tế để kịp thời hoàn tất thủ tục và giải ngân vốn song song với khối lượng công việc đã thi công.

Và một điều vẫn cần nhắc thêm, đó là tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ đầu tư…, đặc biệt với người đứng đầu, phải chủ động đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những dự án bị chậm tiến độ không có lý do chính đáng thì những chủ thể liên quan phải chịu hình thức kỷ luật để bảo đảm yêu cầu rõ việc, rõ người.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan phải tăng cường phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh, tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm tiến độ. Nên niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án gắn với mốc thời gian phải hoàn thành, từ đó, kịp thời chấn chỉnh, có phương án đẩy nhanh tiến độ với từng đơn vị được giao nhiệm vụ.

Với một năm có nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai như năm nay thì hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công sẽ càng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển. Do đó, chỉ bằng sự nỗ lực, quyết liệt thực hiện của các cấp, các ngành, sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư mới “góp gió thành bão”, để giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để đạt hiệu quả cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.