(HNM) - 81,6% trẻ em bị sâu răng (theo báo cáo của Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội, quý I/2010), cho thấy sức khỏe răng miệng của trẻ em Việt Nam đang ở tình trạng báo động. Nguyên nhân do trẻ lười đánh răng, mặt khác chính áp lực từ các bậc phụ huynh cũng là yếu tố dẫn đến những con số đáng buồn trên.
Tại sao phải đánh răng mỗi tối?
Thói quen đánh răng trước khi đi ngủ sẽ bảo vệ được răng sau một ngày dài tiếp xúc với nhiều thức ăn. Nếu không đánh răng, vi trùng do thức ăn còn bám lại lên men sẽ tấn công và phá hủy men răng. Khi tình trạng này kéo dài thì răng của trẻ trở nên xấu đi và dẫn đến những bệnh khác như nhiễm trùng máu, hô hấp, tiêu hóa...
Bố con cùng hát trong lúc đánh răng cũng là một cách tạo lập niềm vui đánh răng cho trẻ. |
Mặc dù việc đánh răng khá quan trọng nhưng thuyết phục trẻ chải răng mỗi tối là một công việc khó khăn của 89,2% các bậc phụ huynh (Báo cáo của Viện Đào Tạo Răng Hàm Mặt). Các bà mẹ thường áp đặt con cái nên trẻ sẽ cảm thấy không hứng thú và đánh răng qua loa. Chị Trần Phương Thảo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Do bận khá nhiều việc nên tôi thường lớn tiếng bắt con đánh răng để tôi có thể giải quyết nhiều công việc khác". Không chỉ riêng chị Thảo mà đó chính là cách làm của rất nhiều gia đình khác.
Cách nào để trẻ hết lười đánh răng?
Theo TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, Đại học Sư Phạm TP.HCM, trẻ lười đánh răng do chưa biết được tác hại của việc giữ vệ sinh răng miệng như cảm giác đau răng, hôi miệng do sâu răng. Trẻ cũng có thể mải mê chơi, xem tivi đến buồn ngủ nên không muốn ngồi dậy để chải răng, hoặc những tưởng súc miệng sau khi ăn đã đủ sạch và không cần đánh răng. Tuy nhiên, nguyên nhân lười đánh răng của trẻ cũng xuất phát từ các bậc phụ huynh không hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách gây cảm giác bị dợn và khó chịu, hoặc người lớn hay chê bai, kiểm tra, ép buộc khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mất tự do và bị áp đặt.
Cách làm ép buộc không phải là giải pháp, vì chỉ hướng đến kết quả tạm thời mà không nghĩ đến việc tạo lập thói quen lâu dài. Sự áp đặt sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý đối phó và đánh răng qua loa vì sợ bị phạt, thậm chí nói dối để né tránh việc đánh răng. Chính phương pháp giáo dục này khiến cho việc đánh răng càng trở nên khó khăn đối với trẻ và nặng nề đối với các bậc phụ huynh. Nếu nắm bắt được tâm lý của trẻ, cha mẹ có thể dễ dàng tạo lập được thói quen này cho trẻ. Việc này đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Trước hết, phụ huynh cần phải làm gương để trẻ cảm thấy đánh răng là việc bình thường và không nảy ra tâm lý cảm thấy bất công. Sau đó, cha mẹ hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách và cả nhà cùng cam kết để cùng đánh răng mỗi tối vào một thời điểm. Đối với trẻ quá lười, phụ huynh có thể dùng cách khen và có thưởng khi trẻ nghe lời.
Để "chiêu dụ" trẻ đánh răng, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, trưởng bộ môn Tâm lý, trường Đại học Sài Gòn, cố vấn chương trình "Con Yêu Của Mẹ" trên VTV3 có một bật mí khá thú vị: người bố sẽ dễ dàng "dụ" trẻ đánh răng hơn. Ngoài lợi thế về mặt thời gian, bố có thể khiến trẻ đánh răng bởi tâm lý nể phục. Để trẻ vâng lời nhưng không cảm thấy bị áp đặt, bố cần có sự dí dỏm và pha trò để trẻ vẫn cảm thấy thích thú. Có rất nhiều các hoạt động giúp trẻ thích thú như: thi nhau đánh răng nhanh; cùng đánh răng trước khi xem tivi, chơi game; ca hát, nhảy múa khi chải răng; hỏi xem bố/mẹ đã đánh răng chưa... Tuy nhiên, để trẻ đánh răng thường xuyên, việc bố mẹ làm gương luôn là yếu tố mang tính quyết định. Cả bố và mẹ đều phải phối hợp nhịp nhàng, biến việc đánh răng trở thành hoạt động vui nhộn và chính giây phút đánh răng mỗi buổi tối cũng chính là những khoảnh khắc hạnh phúc của cả gia đình.
* "Biến giây phút đánh răng thành niềm vui" là sáng kiến của nhãn hàng P/S, công ty Unilever Việt Nam nhằm tạo lập thói quen đánh răng cho trẻ em thông qua sứ mệnh "Đánh răng sáng tối để cải thiện sức khỏe răng miệng người Việt Nam" được thực hiện trên toàn quốc từ giữa tháng 4 đến hết tháng 6. * Ghé thăm diễn đàn: www.webtretho.com để cả gia đình tham gia kí cam kết "Đánh răng sáng và tối" cùng nhiều phần quà thật hấp dẫn và tham khảo các "chiêu thức" để tạo lập thói quen đánh răng cho bé. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.