Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 990/CĐ-TTg (ngày 21-10-2023) về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Theo công điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn. Tính đến ngày 11-10-2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,29% (trong khi cùng kỳ năm 2022 là 11,12% và định hướng điều hành cả năm 2023 là 14-15%).
Thực tế, doanh nghiệp phản ánh nguyên nhân khó tiếp cận tín dụng ngân hàng là không đáp ứng được thủ tục, điều kiện, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đang chiếm đa số. Thủ tục rườm rà, việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Một khoản vay ngắn hạn, thời gian xét duyệt thường kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Với khoản vay trung, dài hạn, thời gian xét duyệt trung bình là 3 tháng, thậm chí dài hơn.
Ngược lại, phía ngân hàng khẳng định, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng ưu tiên của ngân hàng, song hầu hết không đáp ứng được điều kiện do quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch… Chính các ngân hàng cũng đang gặp khó khi số vốn huy động lớn mà tăng trưởng tín dụng thấp.
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải tìm được điểm cân bằng giữa tăng trưởng và bảo đảm an toàn tín dụng để “cung” và “cầu” tín dụng gặp nhau. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên cho tăng trưởng nên đặt lên trên. Tuy nhiên, đây là việc rất khó bởi an toàn hệ thống tín dụng có ảnh hưởng tới hoạt động của từng ngân hàng, đến cả hệ thống tổ chức tín dụng và kinh tế vĩ mô. Ưu tiên cho tăng trưởng tín dụng nhưng cũng không được phép chủ quan.
Điều quan trọng nữa là dòng vốn phải tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; có chính sách khuyến khích tín dụng vào những dự án khả thi, doanh nghiệp phục vụ cho động lực tăng trưởng.
Để “cung” và “cầu” tín dụng gặp nhau, ngân hàng cần bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí, đi đôi với tăng cường kết nối với doanh nghiệp, qua đó, nắm bắt nhu cầu, yêu cầu của nhau, chia sẻ khó khăn và có chương trình tín dụng phù hợp. Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giảm lợi nhuận còn doanh nghiệp cũng phải chủ động thay đổi phương thức quản trị, minh bạch tài chính. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.