Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có quy mô, tầm vóc và tư tưởng lớn, có giá trị bền lâu trong lòng công chúng, luôn là ước mơ, khát vọng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ.
Đây cũng là mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025.
Gieo những hạt mầm triển vọng
Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030) và 85 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2030), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, sau khi phát động, Ban tổ chức nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa hưởng ứng. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt để tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” nhằm hỗ trợ các tác giả hoàn thiện, nâng cao chất lượng tác phẩm.
Điều đáng mừng là các bản thảo, đề cương khá đa dạng về thể loại, hướng tới đề tài cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đây là những “mảnh đất” bất tận, luôn là cảm hứng và cũng luôn thách thức người sáng tạo.
Ở mảng văn học, có thể kể đến các tiểu thuyết “Người gác đèn biển” (Dương Hướng), “Việc nước việc nhà” (Nguyễn Thị Hồng Thắm), “Cuộc đụng đầu lịch sử” (Nguyễn Trọng Tân)… Ở mảng sân khấu, có nhiều kịch bản kịch nói triển vọng như “Nỗi lòng của đất” (Chu Thơm), “Ngôi nhà của Bác” (Lê Quý Hiền), “Viên gạch hồng ở Paris” (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)… và đặc biệt có kịch bản chèo “Hoa dã quỳ vẫn nở” (Nguyễn Đức Minh).
Trong lĩnh vực âm nhạc, đáng mừng khi xuất hiện những tác phẩm khí nhạc và nhạc kịch lớn như “Tự hào Việt Nam quê hương tôi” cho cello và dàn nhạc giao hưởng (Ngô Hoàng Quân); kịch bản nhạc kịch “Vầng trăng Him Lam” (Đỗ Hồng Quân); nhạc kịch “Xuân bất tử” (Ngô Quốc Tính)… Mảng múa có những vở “Dòng sông năm ấy” (Ứng Duy Thịnh); “Xống Chụ Xon Xao” (Phạm Duy Khuê)…
Tham gia hưởng ứng sáng tác với tiểu thuyết “Cuộc phân tranh” trong bộ tác phẩm dài hơi về thời đại Hồ Chí Minh, nhà văn Thiên Sơn chia sẻ: “Cuộc phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” hướng văn học, nghệ thuật vào giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc, có ý nghĩa chấn hưng văn hóa, tinh thần dân tộc. Bất cứ văn nghệ sĩ nào cũng muốn sáng tác những tác phẩm như thế và cuộc phát động đã tạo cảm hứng, khơi dậy sự quyết liệt sáng tác”.
Tạo môi trường phát huy sức sáng tạo
Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để tạo nên tác phẩm sống mãi với thời gian”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng là tác giả tích cực tham gia cuộc phát động này cho rằng, sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao, sống mãi với thời gian là cách để hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Còn theo nhà văn Thiên Sơn, để thực hiện bộ tiểu thuyết đồ sộ 5 cuốn như dự định về thời đại Hồ Chí Minh, ông dành quỹ thời gian 12-15 năm để đọc và tìm hiểu nhiều tư liệu, sau đó nghiên cứu và triển khai.
Trong khi đó, tác giả sân khấu Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, sau khi có ý tưởng, bà dành phần lớn thời gian nghiên cứu sách, báo, phim tài liệu ở trong và ngoài nước. Những yếu tố hư cấu đến đâu, sáng tạo thế nào cho tác phẩm hấp dẫn cũng cần khoảng thời gian dài tư duy.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của văn nghệ sĩ sáng tác, nhà văn Nguyễn Trọng Tân cho rằng, việc tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật quy mô toàn quốc là cú hích để nâng cao chất lượng kịch bản, tác phẩm. Từ đây, các văn nghệ sĩ được tập trung sáng tác, hiện thực hóa ý tưởng thành tác phẩm; tham gia trao đổi, tọa đàm, góp ý vào tác phẩm, kịch bản, đề cương… để thêm hoàn thiện. Ngoài ra, việc đầu tư biên tập, thiết kế, dàn dựng tác phẩm để đưa đến công chúng cũng rất quan trọng. Một tác phẩm văn học hay từ bản thảo chưa đủ, mà phải được đầu tư minh họa, thiết kế bìa sách và các hoạt động giới thiệu, tọa đàm, giao lưu để thu hút bạn đọc. Đối với những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, dù kịch bản “có bột” nhưng không chọn được đạo diễn, nghệ sĩ hội đủ tài năng... thì cũng khó tạo tiếng vang.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, hội chuyên ngành, đơn vị nghệ thuật để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo. Trước mắt, các kịch bản, tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chất lượng từ cuộc phát động này sẽ được đầu tư, nghiên cứu đưa đến các đơn vị xuất bản, biểu diễn phù hợp để thiết kế, dàn dựng và công bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.