Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao vai trò của chính quyền và gia đình trong chăm sóc trẻ em

Mai Hoa| 04/06/2023 06:12

(HNM) - “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em, cần đặc biệt đề cao vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong bố trí ngân sách, nhân lực làm công tác trẻ em, cũng như trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em”. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về những nội dung thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 (từ ngày 1 đến 30-6).

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam.

Quan tâm đầu tư nguồn lực, chăm lo cho trẻ em 

- Ông có thể chia sẻ lý do chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” được chọn làm định hướng hoạt động trong tháng 6 - Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023?

- Với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, cũng như các gia đình, cá nhân chọn ra những giải pháp và thực hiện tốt nhất quy định của pháp luật để giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến việc xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích. Chủ đề này cũng nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp tỉnh trong việc chăm lo, quan tâm đầu tư nguồn lực, bao gồm ngân sách địa phương dành cho công tác trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp thôn, ấp, bản. Cùng với đó là trách nhiệm của phụ huynh, gia đình trong việc bảo đảm an toàn cho các em nhỏ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Qua đó, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, bao gồm phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường; đồng thời, giảm mạnh tai nạn thương tích ở trẻ em.

Trong thời gian sắp tới, nhất là trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, công tác xã hội, tham vấn học đường, tâm lý học đường để giải quyết được những vấn đề liên quan đến bạo lực đối với trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em ở trong trường học, cũng như trong gia đình. 

- Vậy, những hoạt động trọng điểm nào sẽ được tổ chức nhằm triển khai chủ đề này, thưa ông?

- Thứ nhất, chú trọng hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ. Thứ hai, tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương…

Cùng với đó, phải chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tổ chức diễn đàn để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến, bảo đảm các quyền của trẻ em. Việc này một mặt nhằm tăng cường vận động nguồn lực xã hội ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; mặt khác, chú trọng xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Tăng cường trách nhiệm của các bên

- Trong kỳ nghỉ hè năm 2023, các địa phương cần có sự đầu tư hợp lý để hạn chế tối đa những vụ đuối nước ở trẻ em. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Hiện nay, trung bình mỗi năm, chúng ta giảm được khoảng 100 trẻ em tử vong do đuối nước so với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy, địa bàn nào quan tâm đầu tư lắp đặt bể bơi thông minh, tổ chức lớp học bơi an toàn trong môi trường nước, tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em, ở đó tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước giảm mạnh. Nếu chính quyền địa phương cùng cộng đồng tham gia vào kiểm soát môi trường nước an toàn, cảnh báo những nguy cơ an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ giếng, bể nước, hồ ao, cho đến các công trình xây dựng có tác động đến môi trường nước, chắc chắn tình trạng tử vong trẻ em do đuối nước sẽ ngày càng giảm mạnh.

Thời gian qua, các cơ quan trung ương, trong đó có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành khác có liên quan đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu tổn hại cho trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng, những mô hình, giải pháp này phải mang tính bền vững. Và tính bền vững nằm trong tay chính quyền các địa phương. Nếu chúng ta không quan tâm đầu tư hợp lý về nguồn nhân lực, nguồn ngân sách địa phương để bảo vệ, cứu mạng trẻ, những tồn tại dai dẳng về xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục và bạo lực, tử vong trẻ em do đuối nước rất khó có thể kéo giảm trong thời gian tới. 

- Ngoài vấn đề liên quan đến trách nhiệm đầu tư của chính quyền địa phương, không thể không kể đến trách nhiệm của gia đình trong công tác bảo vệ trẻ em, thưa ông?

- Rất đáng buồn là cứ mỗi khi hè đến, trẻ em rời trường học, trở về gia đình, cộng đồng thì những vụ đuối nước trẻ em lại có nguy cơ gia tăng. Điều này cho thấy phải đề cao trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ trong việc phòng ngừa đuối nước nói riêng, cũng như thường xuyên giám sát và bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích trong gia đình, cộng đồng nói chung. Chúng tôi khuyến nghị các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ cần chủ động tìm kiếm những thông tin tin cậy tại Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích. 

- Theo ông, đâu là giải pháp cần được chú trọng để giảm thiểu tổn hại trẻ em?

- Các cơ quan thực thi pháp luật cần phải làm triệt để hơn nữa việc xử lý những vi phạm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ví dụ, trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước hay do tai nạn thương tích khác, nếu thấy rõ là lỗi do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra, chúng ta phải xử lý một cách rốt ráo, quyết liệt về hành chính, thậm chí là về mặt hình sự. Rất tiếc, ở đâu đó vẫn có vụ việc tử vong trẻ em do đuối nước hay do tai nạn thương tích nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật nhiều khi chưa xử lý đến nơi đến chốn và có giải pháp phòng ngừa. Đơn cử như nếu không may có vụ việc đuối nước trẻ em xảy ra, chính quyền, cộng đồng dân cư ở đó phải nâng cao trách nhiệm trong việc khắc phục, đồng thời tăng cường dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn, tăng cường rà soát lại môi trường an toàn, không để tái diễn các vụ việc tương tự. 

Nói cách khác, trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay, chúng ta phải nhấn mạnh việc phòng ngừa. Muốn phòng ngừa, chúng ta phải tăng cường trách nhiệm của các bên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao vai trò của chính quyền và gia đình trong chăm sóc trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.