Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao vai trò bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân

Hiền Phương| 17/11/2017 06:38

(HNM) - Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã được Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam quy định rõ...

Cán bộ MTTQ giám sát hoạt động tại bộ phận “một cửa” xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai).
Ảnh: Thái Hiền



Nhiệm vụ không dễ dàng

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, trên cơ sở các quy định của pháp luật, việc triển khai nhiệm vụ “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” đã và đang được MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện. Nhờ đó, hoạt động tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có nhiều đổi mới; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được thực hiện nền nếp, bài bản. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. MTTQ tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức giám sát và phản biện xã hội được chú trọng và thu nhiều kết quả thiết thực…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế: Hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhiều lúc, nhiều nơi chưa được thường xuyên, kịp thời, đầy đủ; chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri chưa cao; hoạt động giám sát, phản biện nhiều nơi, nhiều việc chưa có chiều sâu, chất lượng chưa cao… Những tồn tại trên đang đòi hỏi phải sớm được giải quyết, qua đó góp phần tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Chia sẻ từ thực tế cơ sở, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Thụy (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) Lê Thị Quyến cho biết, trong những năm qua, Ban Công tác Mặt trận thôn đã tiếp nhận, tổng hợp và đề nghị UBND xã giải quyết kịp thời các ý kiến của nhân dân phản ánh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ cho thấy, công tác giám sát của MTTQ vẫn chưa thể hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân, chưa tập hợp, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát. Còn tình trạng một số cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện, đôi khi coi nhẹ công tác mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) Phạm Văn Nhâm cho biết: Tình trạng khiếu kiện tập thể trên địa bàn phường không có, thậm chí những việc khó như thi công tuyến mương thoát nước Thụy Khuê liên quan đến 324 hộ dân nhưng phường vẫn triển khai tốt, không có trường hợp phải cưỡng chế. Tuy nhiên, gần đây, việc xây trạm thu phát sóng viễn thông ở ngõ 168 dù nhà đầu tư có đầy đủ thủ tục nhưng nhân dân không đồng tình, cán bộ Mặt trận cùng các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn chưa giải quyết được. Điều đó đặt ra vấn đề, việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân gắn với hạn chế điểm nóng, gây mất ổn định xã hội là chuyện không dễ dàng...

Nâng cao năng lực cho cán bộ mặt trận

Tại hội thảo, các ý kiến của cán bộ mặt trận và thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả việc MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thời gian tới.

Bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội cho rằng, cần bố trí cán bộ mặt trận có đủ tâm, đủ tầm. Đồng thời phải có quy chế giám sát việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân thông qua MTTQ cũng như xây dựng đường dây nóng để tiếp thu tốt hơn những ý kiến, kiến nghị của người dân. Theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Phạm Ngọc Thảo, để thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, cán bộ mặt trận phải được nâng cao năng lực, trình độ và cần có bản lĩnh, bám đến cùng để giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng. Ông Phạm Văn Nhâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) kiến nghị: Trước hết phải thường xuyên kiện toàn Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở đủ số lượng, đúng thành phần, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, uy tín, phẩm chất để quy tụ mọi tầng lớp nhân dân.

Nhiều ý kiến còn đề xuất, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức; tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ở nơi cư trú, đồng thời nghiên cứu quy định trách nhiệm của Nhà nước, bộ, ngành liên quan trả lời giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do MTTQ Việt Nam tổng hợp; nghiên cứu có quy định cơ chế, chế tài giải quyết kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, các ý kiến tại hội thảo giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn và là căn cứ để xây dựng kế hoạch hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiến nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về MTTQ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao vai trò bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.