Kinh tế

Để các dự án đầu tư công về đích đúng hẹn

Việt Tuấn 05/11/2023 - 06:21

Thời gian qua, kế hoạch đầu tư công đã được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện. Các dự án sớm được triển khai, hoàn thành góp phần hoàn thiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; phát triển kinh tế đồng đều, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Tuy vậy, vẫn còn dự án chậm tiến độ, cần có các giải pháp tích cực để về đích đúng hẹn.

ktxh.jpg
Thi công Dự án Đường liên khu vực 6 (từ đường liên khu vực 1 đến đường Vành đai 3,5) đoạn trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thái

Giải ngân đạt hơn 70%

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố quyết nghị lần đầu tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 với tổng nguồn là hơn 304 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn kế hoạch trung hạn là hơn 339 nghìn tỷ đồng.

HĐND thành phố cũng giao UBND thành phố lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án cấp bách, bức xúc dân sinh cần đẩy nhanh tiến độ để tập trung chỉ đạo. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn của thành phố và đề xuất bố trí vốn theo tiến độ thực tế của dự án.

Qua một năm triển khai Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố đã giúp tăng tính chủ động cho cấp quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Vì thế, từ tháng 9-2022 đến tháng 9-2023, có 14 quận, huyện, thị xã đề xuất và được HĐND thành phố chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 55 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp thành phố với tổng kinh phí hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, tiến độ triển khai dự án tương ứng với số vốn giải ngân. Thống kê của UBND thành phố, kết quả giải ngân của toàn thành phố từ năm 2021 đến ngày 30-9-2023 là 107.009 tỷ đồng, mới đạt 70,9% tổng kế hoạch vốn đã bố trí giai đoạn 2021-2023. Riêng năm 2023 tỷ lệ giải ngân thấp, toàn thành phố giải ngân đến ngày 30-9-2023 là 25.059 tỷ đồng, đạt 47,2% kế hoạch (cấp thành phố đạt 43,6% kế hoạch, cấp huyện đạt 55,1% kế hoạch).

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, qua hơn nửa kỳ kế hoạch trung hạn, các dự án huyện được giao chủ đầu tư giải ngân 63,11% kế hoạch, thấp hơn mức giải ngân chung của thành phố. Đặc biệt, hiện công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án: Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn và Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn vẫn còn vướng mắc.

Huyện Mỹ Đức cũng là đơn vị khó khăn trong thực hiện giải ngân, năm 2023, thành phố giao vốn hơn 190 tỷ đồng, HĐND huyện giao hơn 229 tỷ đồng, nhưng đến ngày 31-10 mới giải ngân được 70,59% thành phố giao và 58,61% HĐND huyện giao. Còn Sở NN&PTNT với tổng số 101 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 đến nay mới có 7 dự án đang triển khai thi công với tổng mức đầu tư 409,6 tỷ đồng (bằng 1,6% số vốn đã bố trí, cân đối), còn có 84 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư (chiếm 83%, tương ứng số vốn 23.770 tỷ đồng).

ktxh1.jpg
Đoàn giám sát của HĐND thành phố khảo sát tiến độ triển khai hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì).

Chủ động phối hợp, triển khai

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan của việc giải ngân thấp do sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư trong giải quyết các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc thực hiện các thủ tục hành chính còn chậm, lúng túng. Quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chưa đồng bộ, chưa khảo sát, đánh giá kỹ quy mô, sự phù hợp các quy hoạch liên quan, dẫn đến dự án chậm được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án hoặc phê duyệt xong phải điều chỉnh nhiều lần.

Giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cho thấy, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai các dự án, trong đó có một số dự án trọng điểm. Vì thế, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, cần có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách để bảo đảm cho tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, đáp ứng nhu cầu bố trí kế hoạch vốn còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025 từ nay đến hết năm 2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, năng lực trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, nhận diện rõ vấn đề, vướng mắc, rõ địa chỉ giải quyết và chủ động đề xuất khắc phục, đặc biệt chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Các đơn vị cũng thường xuyên tiến hành giao ban, kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và chỉ đạo quyết liệt, có cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh toán kế hoạch vốn xây dựng cơ bản, vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thanh quyết toán dự án hoàn thành theo cơ chế linh hoạt bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

-----------

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn:
Sớm hoàn thành công tác chuẩn bị

yk-nguyen-thuong-son.jpg

Để các dự án đầu tư công hoàn thành, UBND quận đề xuất thành phố xem xét, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn quận như: Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, xây dựng cầu Thượng Cát, xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32. Đây là các dự án giao thông có tính chất kết nối liên vùng, liên khu vực và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Quận cũng đề xuất thành phố xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư trong nhiệm kỳ tới đối với 18 tuyến đường giao thông khung thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố trên địa bàn quận với tổng mức đầu tư 12.175 tỷ đồng và các dự án quận đã rà soát, đề xuất bổ sung đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông khung của quận thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang:
Mong muốn được hỗ trợ kinh phí đối ứng

yk-le-van-trang.jpg

Giai đoạn 2021-2025, huyện Mỹ Đức được thành phố dự kiến hỗ trợ đầu tư xây dựng 93 dự án, với tổng kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 thành phố dự kiến hỗ trợ là 1.923 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2023, thành phố đã hỗ trợ cho các huyện 3 lĩnh vực gồm 53 dự án với số tiền là hơn 783 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố, thành phố hỗ trợ cho các công trình phần kinh phí xây dựng và chi phí thiết bị (nếu có), còn phần giải phóng mặt bằng và phần còn lại phải đối ứng từ nguồn vốn của huyện. Việc đối ứng từ ngân sách huyện cho các công trình thành phố hỗ trợ mục tiêu (phần giải phóng mặt bằng và chi phí khác) chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất, đây là một khó khăn, áp lực rất lớn đối với công tác ngân sách huyện. Vì thế, UBND huyện đề xuất thành phố quan tâm hỗ trợ huyện Mỹ Đức kinh phí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Nguyễn Chí Cường:
Nỗ lực hoàn thành 40 dự án còn lại

yk-nguyen-chi-cuong.jpg

Ban được giao triển khai thực hiện 88 dự án sử dụng vốn đầu tư công và 1 dự án trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến sau năm 2023, đơn vị còn 40 dự án phải hoàn thành theo tiến độ.

Để hoàn thành các dự án, Ban đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các quận, huyện và sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng như: Đường Vành đai 4; quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; hầm chui tại nút Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án xem xét, báo cáo thành phố thống nhất phương án triển khai thực hiện các bước tiếp theo đối với việc tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP làm cơ sở cho Ban Quản lý dự án triển khai các bước tiếp theo.

Bảo Vy ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để các dự án đầu tư công về đích đúng hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.