Kinh tế

Tránh áp lực giải ngân đầu tư công bằng mọi giá

Đình Hiệp 02/11/2023 - 11:15

Trước những bất cập hiện nay, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình, dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh áp lực giải ngân bằng mọi giá.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 2-11.

Ngăn chặn tình trạng trục lợi trong đầu tư công

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường sáng 2-11, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được chỉ đạo triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

le-huu-tri.jpg
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu.

Tuy nhiên, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư còn phân tán. Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Nhấn mạnh việc tránh áp lực giải ngân đầu tư công bằng mọi giá, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

tran-nhi-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 510 ngày 19-5-2023 về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình bao gồm cả các công trình y tế. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực y tế, Quyết định 510 chỉ quy định suất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50-1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh.

Trong khi đó, nhiều địa phương đang thực hiện kế hoạch đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với quy mô dưới 1.000 giường, như ở Hà Nội đang thực hiện dự án Bệnh viện Thận tiết niệu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh. Quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều vướng mắc do không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư.

“Đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tại Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

thai-thi-an-chung.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) phát biểu.

Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho rằng công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.

Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

dinh-ngoc-minh.jpg
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) phát biểu.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) ghi nhận qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, kết quả đầu tư công thời gian qua đạt kết quả tốt, khắc phục được đầu tư dàn trải, nỗ lực cao triển khai các dự án đường cao tốc và dự án sân bay Long Thành. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng. Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân và trong đó có nguyên nhân của đầu tư công với vai trò dẫn dắt và kích hoạt chưa đúng, chưa đủ.

Để tăng hiệu quả, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu tư chung của nền kinh tế, như các dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư, cần được đẩy nhanh, làm tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia.

nguyen-thi-yen.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Để thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến cao tốc...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc đầu tư cho các đường cao tốc như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và một số dự án khác có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách, nếu các khoản chi không hết trong năm thì địa phương phải trả về ngân sách hoặc Nhà nước phải thu hồi.

Qua thực tiễn, các cao tốc đang tiến hành cũng rất thuận lợi cho việc đảm bảo cơ bản về tiến độ. Tuy nhiên, nếu thu hồi lại thì việc thi công các tuyến đường này sẽ gặp khó khăn về vốn. "Chúng ta phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng các cao tốc cũng không thể nào ngưng được", đại biểu băn khoăn.

nguyen-thi-le.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các dự án từ nguồn vốn đầu tư viện trợ phát triển chính thức (ODA) có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục với bên vay. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu một số dự án lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh áp lực giải ngân đầu tư công bằng mọi giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.