Hà Nội kết nối

Đồng Nai: Làm việc cả ngày nghỉ để giải ngân vốn đầu tư công

Thanh Tàu 04/11/2023 - 17:49

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Các ngành chức năng tỉnh này đang tập trung tối đa đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023.

367348974.jpg
Dự án xây dựng kè ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I-2024.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 31-10, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư công hơn 14.700 tỷ đồng năm 2023, đạt gần 34% kế hoạch.

Hiện, có 21 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp (dưới tỷ lệ bình quân của tỉnh), trong đó có 3 đơn vị được giao vốn từ đầu năm nhưng chưa giải ngân được nguồn vốn. Có 7 đơn vị giải ngân dưới 10%; 10 đơn vị giải ngân từ 19,95% đến dưới 36,83%. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp nhất của tỉnh Đồng Nai so với cùng kỳ nhiều năm gần đây và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Nguyên nhân chính khiến là do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công dự án, nguồn vật liệu phục vụ thi công xây dựng…

Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai có 25 dự án vốn đầu tư công. Để triển khai theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được bố trí nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng. Đến nay, Ban đã giải ngân đạt hơn 35% kế hoạch vốn được giao.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai Dương Minh Tâm thông tin, khó khăn lớn nhất trong các dự án đang triển khai vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Một số dự án hạ tầng giao thông vướng giải phóng mặt bằng như dự án Hương lộ 2, đường ven sông Sài Gòn, đường ven sông Cái… thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu…

396757689.jpg
Dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn quan thành phố Biên Hòa) hiện còn vướng mặt bằng thi công.

Hay như trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ lệ giải ngân gần bằng 0%. Điển hình, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đơn vị thi công dự án nâng cấp, sửa chữa hệ thống sân đường, hàng rào, mương thoát nước, vỉa hè của bệnh viện chậm thực hiện hợp đồng nên cơ sở y tế này chưa giải ngân được đồng nào.

Lý giải về con số giải ngân 0%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng nêu lý do đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc của Sở chưa đạt yêu cầu nên quá trình thẩm định, hồ sơ đã phải chỉnh sửa.

Tập trung tối đa để giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Phan Trung Hưng Hà đề xuất một số giải pháp.

Cụ thể, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa, UBND huyện Long Thành khẩn trương tham mưu việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức tham gia hỗ trợ địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo UBND cấp huyện chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, trường hợp cần thiết thực hiện cưỡng chế theo quy định; chủ đầu tư dự án phối hợp xuyên suốt, chặt chẽ với các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Còn về nguồn vật liệu phục vụ thi công xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh để khai thác các mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án có sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia)…

245366.jpg
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức họp với các địa phương, sở, ngành chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, năm 2023, Đồng Nai phải thực hiện đạt mục tiêu giải ngân từ 80-95% nguồn vốn đầu tư công. Để đạt mục tiêu này, các đơn vị đang có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp phải nỗ lực để đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% nguồn vốn được bố trí trong năm 2023.

Ông Võ Tấn Đức cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng nóng các đơn vị hoàn thành giải ngân trên 95% nguồn vốn được bố trí sớm. Đồng thời, đề xuất mức xử lý đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp.

“Lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Quỹ thời gian còn lại của năm 2023 là không còn nhiều, do đó, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công phải làm việc trên tinh thần không có ngày thứ bảy, chủ nhật và nghỉ lễ để hoàn thành mục tiêu.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo các đơn vị phải hạn chế đi công tác nước ngoài, nghỉ phép không cần thiết để tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Quan trọng nhất là phải giải ngân toàn bộ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vì thời hạn giải ngân nguồn vốn này chỉ đến hết năm nay”, ông Võ Tấn Đức yêu cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Làm việc cả ngày nghỉ để giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.