(HNMO) - Chiều 24/5, thảo luận tại tổ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu đoàn Hà Nội thẳng thắn đánh giá, đề án được chuẩn bị quá sơ sài, không đủ cơ sở, dữ liệu để ủng hộ.
Các đại biểu Hà Nội đều nhất trí với sự cần thiết phải có đề án tái cơ cấu kinh tế, nhưng chưa hài lòng và thỏa mãn với các nội dung của đề án mà Chính phủ trình.
Ngay từ những lời phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã nhận xét, Đề án của Chính phủ chưa rõ về mặt pháp lý, chưa rõ đề án trình QH để làm gì và QH sẽ tỏ thái độ bằng văn bản pháp lý nào?
“Lâu nay người ta vẫn nói: QH mặc dù đã có nhiều cố gắng vươn lên để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ do hiến pháp quy định nhưng đâu đó vẫn còn hình thức, không thực quyền". Đại biểu Quyền nói.
Do đó, đại biểu Quyền đề nghị, Chính phủ phải làm rõ đề án này trình QH để làm gì. Nếu trình chỉ để góp ý cho Chính phủ về bàn thảo thì QH không phải là cơ quan tham mưu những việc như vậy. Còn nếu trình để QH quyết định thì tất cả các ủy ban liên quan phải thẩm tra đề án.
“Bất luận tiêu 1 đồng tiền của dân đều phải do QH quyết, mà đề án này chắc chắn phải chi không dưới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ, mà tiền này là tiền của dân, thì ai quyết định?... Một đề án tiêu hàng nghìn tỷ của dân mà QH không quyết định thì lạ”, đại biểu Quyền nói.
Trở lại với các nội dung của đề án, đại biểu Quyền đánh giá, đề án được chuẩn bị rất sơ sài. Theo ông, một đề án phải có căn cứ, mục đích yêu cầu, nội dung, đánh giá tác động, lộ trình bước đi, cách thức tổ chức, nguồn lực tài chính… Nhưng tất cả những điểm này trong đề án còn thiếu.
“Đã là đề án tái cơ cấu thì phải định lượng được và đặc biệt phải có đánh giá tác động, có như vậy mới biết chúng ta được, mất gì. Nếu QH ra nghị quyết về đề án này thì tôi không bấm nút vì không có đủ cơ sở, dữ liệu để ủng hộ”, đại biểu Quyền thẳng thắn nói.
Cùng chung quan điểm, các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bảo, Đinh Xuân Thảo, Bùi Thị An, Phạm Huy Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Thanh… đánh giá, các nội dung của đề án chưa đạt yêu cầu, còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa có phân tích sâu sắc thực trạng nên chưa thể đề ra các mục tiêu ngắn và dài hạn sát thực tế, hiệu quả.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh yêu cầu, đề án phải bám sát 8 mục tiêu thiên niên kỷ, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật hiện hành, các cam kết quốc tế… thì mới giúp đất nước phát triển được bền vững.
“Nếu chúng ta vẫn áp dụng cách làm cũ, như cái bánh chia đều, thì sẽ không hiệu quả”, đại biểu Khánh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị, đề án phải phân tích sâu hơn cấu trúc nền kinh tế hiện nay, từ đó mới lựa chọn cơ cấu phù hợp và đề ra tỷ trọng hợp lý với các ngành hàng cho từng giai đoạn.
Về giải pháp, đại biểu Bảo cho rằng, các nhóm giải pháp trong đề án mới chỉ là phần ngọn, giải quyết những hậu quả của việc phát triển nóng vừa qua, chưa xử lý được phần gốc những yếu kém hiện nay.
“Nên chăng chúng ta xác định mục tiêu chính của đề án là phát triển nền sản xuất hàng hóa mạnh, đây cũng chính là mục tiêu công nghiệp hóa đất nước thời gian tới. Giải pháp chính là các chính sách cải thiện môi trường, thu hút đầu tư trong đó phải thay đổi tư duy”, đại biểu Bảo đề xuất.
Góp ý hoàn thiện đề án, đại biểu Bùi Thị An đề nghị, đề án phải được xây dựng trên cơ sở tiến hành rà soát lại tổng thể các dự án quy hoạch hiện nay và khắc phục tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức, thực hiện.
“Theo tôi, chúng ta nên lấy giáo dục, con người làm đầu. Vì nếu con người không được đặt đúng chỗ thì không giải quyết được bất cập trên. Chủ trương của chúng ta không sai nhưng khâu tổ chức, thực hiện sai, mà tổ chức thực hiện là con người.
“Chúng ta phải làm thế nào để triệt tiêu được tư duy lợi ích nhóm, nếu không tái cơ cấu cũng vô nghĩa”, đại biểu An nói.
Theo đại biểu An, ngoài trao quyền, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nên mạnh dạn thí điểm việc này.
Trở lại với những nhận xét của đại biểu Quyền, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đánh giá thêm, tổng thể đề án có chất lượng quá thấp, không có trọng tâm, kể cả mục tiêu lâu dài.
“Đề án chỉ đạt được một mục tiêu duy nhất là cho thấy sự cần thiết có đề án, chứ chưa phải là đề án cần được xem xét về nội dung... Tôi đề nghị QH chưa thông qua đề án và giao Chính phủ chuẩn bị lại. Những vấn đề cấp bách năm 2012 thì đã có các nghị quyết của CP giải quyết, chúng ta không lo đề án này ra chậm mà ảnh hưởng”, đại biểu Sơn nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.