Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy trẻ cách sử dụng tiền mừng tuổi

Hoàng Minh| 17/02/2023 07:14

(HNNN) - Sau Tết, thường thì trẻ em sẽ có một khoản tiền mừng tuổi. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa tìm được cách phù hợp để dạy trẻ sử dụng khoản tiền này đúng cách. Theo nhiều chuyên gia, thay vì “giữ hộ” hay cấm đoán, cha mẹ nên nhìn nhận đây chính là cơ hội để dạy trẻ về tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai.

Thay vì giữ tiền hay cấm đoán, cha mẹ nên nhìn nhận đây chính là cơ hội để dạy trẻ thực hành tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai. Ảnh: Hà Cường

Cơ hội dạy trẻ tiêu tiền đúng cách

Xưa kia, tiền mừng tuổi thường là tiền mới, mệnh giá không cao, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng với những lời chúc mạnh khỏe, ngoan, học giỏi, may mắn... Tuy nhiên, những năm gần đây, tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ có giá trị lớn hơn, nên số tiền mừng tuổi trong mấy ngày Tết của con trẻ khá lớn, thậm chí có trẻ sở hữu số tiền lên đến cả chục triệu đồng. 

Với một khoản tiền như thế, nhiều bậc phụ huynh cho rằng không nên cho con giữ tiền mừng tuổi vì sợ con sẽ làm rơi hoặc chi tiêu bừa bãi, hoang phí. Cũng không ít cha mẹ lại quan niệm rằng “trẻ con chưa biết tiêu tiền”, không nên nói chuyện tiền nong với trẻ... rồi mặc nhiên coi khoản tiền mừng tuổi của con thuộc quyền sở hữu của mình. Hậu quả là, trẻ con sẽ phản đối, dỗi, buồn bực, bởi rõ ràng đó là tiền mà chúng được người lớn cho nhưng lại bị cha mẹ “tịch thu”; một số trẻ sẽ có tâm lý giấu tiền mừng tuổi để dùng vào việc riêng...

Chị Nguyễn Thị Hải (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, sau mỗi dịp Tết, chị lại lo lắng việc hai đứa con trai 9 tuổi và 13 tuổi lấy tiền mừng tuổi để tiêu. “Những năm trước, cứ nhận được tiền mừng tuổi là chúng tự ý đi mua đồ chơi. Dù tôi đã mua một con lợn đất và giải thích để các con tiết kiệm bằng việc bỏ tiền mừng tuổi để “nuôi lợn” và tự quản lý. Song, hai đứa lý sự đó là tiền của con, bố mẹ không có quyền can thiệp”...

Theo một nghiên cứu của Prudential, thực hiện vào năm 2020 với gần 10.000 người thuộc 9 quốc gia châu Á về việc giáo dục tài chính cho trẻ, 95% người tham gia khảo sát cho rằng việc dạy con dùng và quản lý tiền là quan trọng. Tuy nhiên, hơn 51% không biết mình đã dạy con đúng cách hay chưa: Liệu có nên đưa tiền thật cho con tập chi tiêu? Tiền mừng tuổi của con thì ai nên là người giữ? Liệu có nên thưởng tiền khi các con giúp việc nhà?... Điều này chứng minh một điều, rất nhiều phụ huynh đang bối rối trong việc hướng dẫn con sử dụng tiền đúng cách.

Trong cuốn sách “Rich Dad, Poor Dad” (“Cha giàu, cha nghèo”), nhà văn Robert Kiyosaki đã nhấn mạnh rằng: “Nếu cha mẹ không dạy trẻ về tiền bạc và để chủ nợ, những kẻ trục lợi, thậm chí là những kẻ lừa đảo thay thế bạn dạy chúng, thì tôi e rằng chúng ta sẽ phải trả một cái giá không nhỏ”. Chính vì thế, thay vì giữ tiền của con hay ngăn cấm con chi tiêu, cha mẹ hãy coi khoản tiền mừng tuổi là công cụ tuyệt vời để dạy con những bài học đầu đời về tiền bạc, về cách chi tiêu, ý thức tiết kiệm hay cách chia sẻ với người khác.

Hướng dẫn trẻ sử dụng tiền thông minh

Luôn theo sát và đồng hành cùng con, chị Trần Hương Giang (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa) chia sẻ, trẻ luôn muốn mua tất cả những gì mình thích, nhất là khi chúng có một khoản tiền lớn trong tay. Vì thế, để các con hiểu được giá trị của đồng tiền và sử dụng số tiền mừng tuổi hợp lý, chị đã dạy con kỹ năng tài chính “cần” và “muốn”. “Cần”, là những thứ trẻ phải có và thực sự không thể thiếu. Còn “muốn” là những thứ không quá thiết yếu. Từ đó, chị hướng dẫn con xếp thứ tự những thứ mình cần để đưa vào cột ưu tiên, đồng thời phân tích cho các con hiểu biết đầy đủ về “cần” và “muốn” để các con được quyền quản lý số tiền mừng tuổi.

Chị Hương cũng khẳng định, cha mẹ cần khéo léo định hướng cho con để cả hai đều vui vẻ và thấy được giá trị cũng như ý nghĩa của đồng tiền. Đặc biệt, trong quá trình này, không nên áp đặt mong muốn cá nhân lên con, cần cho trẻ quyền được kiểm soát số tiền mình quản lý và chịu trách nhiệm về những quyết định mình đưa ra. Như thế, trẻ mới hiểu và có ý thức hơn trong việc quản lý tiền.

Còn chị Phạm Hồng Thu (phường Cống Vị, Ba Đình) cho rằng, ba mẹ nên giúp con chia tiền mừng tuổi thành 3 khoản: Tiết kiệm, chi tiêu và chia sẻ. Tỷ lệ lần lượt là 60%, 30% và 10%. Phần chi tiêu là khoản duy nhất mà cha mẹ không xen vào, để con tự sử dụng, nếu cần thì đưa ra lời khuyên. Với khoản chia sẻ, gia đình sẽ ngồi trò chuyện cùng nhau vào mỗi cuối tuần xem nên dành tặng cho ai. Đó có thể là những người có hoàn cảnh kém may mắn, hội từ thiện... Hành động này sẽ nuôi dưỡng lòng bao dung của trẻ từ khi còn nhỏ.

Theo GS.TS tâm lý Lê Thị Bích Hồng, để giúp con quản lý tiền mừng tuổi đúng cách, phụ huynh tuyệt đối không tự ý giữ tiền mừng tuổi của con mà không giải thích, vì trẻ sẽ buồn, bất bình và có thể sẽ phản ứng tiêu cực. Trẻ nhỏ thì ấm ức, khó chịu; trẻ lớn có thể sẽ có hành vi không phục vì nghĩ rằng người khác mừng tuổi cho mình là tiền của mình, từ đó, trẻ sẽ có thể không phục nhiều chuyện khác, những hành vi khác của cha mẹ. Cha mẹ nên trao đổi với con xem chúng muốn gửi bố mẹ hay tự quản. Nếu tự quản thì dự định số tiền đó để làm gì. Lúc này, bố mẹ có thể hướng dẫn, thuyết phục chúng trích một phần tiền mua một món đồ mà chúng ước ao; tiết kiệm tiền bằng cách nuôi lợn nhựa. Cũng có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư bằng cách trích một phần hoặc toàn bộ tiền mừng tuổi lập sổ tiết kiệm để chi phí vào việc mua sách vở, đồ dùng học tập, mua quà tặng ông bà, người thân, đến dịp hè cả nhà cùng đi du lịch...

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục Khai Tâm, cho rằng: “Tùy theo lứa tuổi mà phụ huynh cần giao cho con tự chủ một phần chi tiêu hoặc quản lý tiền hộ con. Để việc quản lý tiền mừng tuổi có ý nghĩa và không lãng phí, cha mẹ cần cùng con thảo luận về số tiền mừng tuổi mà con nhận được, trao đổi với con về việc quản lý tiền như thế nào. Cách thức, nguyên tắc sử dụng tiền khi cần, những điều không nên làm khi sử dụng tiền vào việc không có ý nghĩa... Điều này sẽ giúp con nhận thức được giá trị của tiền bạc khi dùng vào những việc có ích, thiết thực và đúng nhu cầu, đúng độ tuổi. Cha mẹ có thể quản lý thay con, thông báo kế hoạch chi tiêu để con biết được cách quản lý, mức độ chi và số tiền còn lại. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể lập sổ tiết kiệm để con cùng biết về cách sử dụng, quản lý tiền bạc trên nền tảng công nghệ số và thấy được giá trị của việc dùng tiền sinh lời, tạo tư duy quản lý tài chính và kinh tế trong tương lai. Tôn trọng, thảo luận với con cũng giúp con làm quen với tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy trẻ cách sử dụng tiền mừng tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.