(HNM) - Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý các sự cố đê điều xảy ra trong năm 2018. Thực tế tiến độ triển khai các dự án này hiện nay ra sao đang là vấn đề dư luận quan tâm khi mùa mưa bão đã cận kề.
Nhiều sự cố nguy hiểm
Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, mùa mưa bão năm 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 9 sự cố về kè, 5 sự cố sạt lở bờ sông, 15 sự cố về đê, 8 sự cố về cống và 18 sự cố tràn đê. Một số địa bàn xảy ra nhiều sự cố đê điều, thủy lợi như: Chương Mỹ 20, Quốc Oai 8, Ba Vì 5… Trong 55 sự cố nêu trên có nhiều sự cố rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đoạn đê, thậm chí cả tuyến đê bảo vệ hàng nghìn hộ dân, như sự cố đê hữu Bùi, đoạn qua 3 xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ); sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn qua thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ); sự cố sập cống qua đê Đồng Ao, đoạn xã Đông Yên (huyện Quốc Oai)…
Thi công kè đê tả Đáy trên địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền |
Sau khi kiểm tra thực tế, các sở, ngành liên quan của thành phố đã xác định, trong 55 sự cố có 22 sự cố nguy hiểm cần thiết phải đầu tư xử lý theo hình thức khẩn cấp; 33 sự cố còn lại ít nghiêm trọng hơn sẽ đưa vào chương trình đầu tư thường xuyên và trung hạn. Trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành liên quan, ngày 17-1-2019, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư 485,5 tỷ đồng xử lý khẩn cấp 14 công trình trên địa bàn huyện Chương Mỹ và 8 công trình trên địa bàn huyện Quốc Oai.
“Nghe Đài truyền thanh xã thông báo, thành phố đầu tư kinh phí xử lý khẩn cấp các sự cố đê điều trên địa bàn, nhân dân mừng lắm. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa công trình vào phòng, chống lũ rừng ngang năm 2019”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, người dân ở thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ chia sẻ.
Tăng tốc thi công
Những ngày vừa qua, Hà Nội xảy ra đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời nhiều thời điểm vượt 40 độ C. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tinh thần làm việc trên các công trường xử lý sự cố đê điều của Hà Nội vẫn rất nhộn nhịp, khẩn trương. Tại công trường thi công công trình “Xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê hữu Bùi II, đoạn qua 3 xã: Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến và Nam Phương Tiến”, khoảng 60 công nhân và 10 máy xúc, máy ủi, ô tô vận tải… vẫn miệt mài làm việc dưới ánh nắng gay gắt.
“Ngay sau khi được đại diện chủ đầu tư là Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) bàn giao mặt bằng, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện, thi công 3 ca/ngày. Sau hơn một tháng thi công, đến nay đơn vị đã hoàn thành 45% khối lượng công việc được giao, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục trước ngày 10-7, kịp thời đưa công trình vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2019…”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh, đơn vị thi công công trình cho biết.
Tại công trường xử lý cấp bách sự cố mạch đùn, mạch sủi cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), không khí lao động cũng rất khẩn trương. Ông Nguyễn Đức Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn số 9 (đơn vị thi công công trình), thông tin: Xác định tính chất quan trọng của dự án nên ngay sau khi được giao mặt bằng, đơn vị đã huy động toàn bộ phương tiện và nhân lực, thi công 2-3 ca/ngày. Hiện đơn vị đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc được giao, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công việc trước ngày 21-6, phục vụ công tác hộ đê trong mùa mưa bão 2019.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến ngày 20-5, các chủ đầu tư đã tổ chức thi công 16 công trình xử lý cấp bách các sự cố đê điều, thủy lợi, đạt 50-70% khối lượng. Đối với 6 dự án như: Xử lý sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn từ thôn Tiến Tiên (xã Tân Tiến) đến cầu Yên Trình (xã Hoàng Văn Thụ) thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ; xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê hữu Bùi, đoạn qua thôn Công An, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ)… do phải điều chỉnh hồ sơ nên mới thi công đạt 5-10% khối lượng. UBND huyện Chương Mỹ và Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị được giao làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư các dự án trên, khẳng định sẽ hoàn thành các công trình này trước mùa lũ chính vụ 2019.
Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương yêu cầu các chủ đầu tư và đại diện các chủ đầu tư phải thường xuyên đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa bão; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, các chủ đầu tư, nhà thầu thường xuyên rà soát, điều chỉnh tiến độ, biện pháp thi công công trình phù hợp với diễn biến thời tiết năm 2019…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.